Lễ ký kết bản ghi nhận ý định xử lý dioxin ở sân bay Biên Hoà hôm nay diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ. |
Bản ghi nhận ý định giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng Việt Nam về việc bắt đầu xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa hôm nay được ký, trước sự chứng kiến của đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
USAID sẽ hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam để thiết kế và thực hiện một dự án xử lý trong những năm tới.
"Cách duy nhất để bắt đầu một hành trình dài là thực hiện bước đi đầu tiên. Bản ghi nhận ý định này chính là bước đi đầu tiên đó và hành trình bắt đầu từ ngày hôm nay", ông Kritenbrink phát biểu tại lễ ký, theo thông cáo của đại sứ quán. Ông cho biết Mỹ mong đợi hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong dự án quan trọng này, tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước.
Kể từ năm 2000, Mỹ hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhân đạo và vấn đề chiến tranh để lại. Các hoạt động hợp tác bao gồm loại bỏ vật liệu chưa nổ, xác định danh tính hài cốt của những người mất tích, xử lý dioxin, giải quyết hậu quả về sức khỏe do chiến tranh gây ra.
USAID cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ sớm hoàn tất thành công dự án làm sạch đất ô nhiễm dioxin tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng kéo dài 5 năm với kinh phí 110 triệu USD.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chính của quân đội Mỹ, dùng chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa ra ngoài với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam. Theo các chuyên gia, khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin có nồng độ nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.
Khu vực được xác định nhiễm dioxin nặng trong sân bay Biên Hòa. Ảnh: Phước Tuấn. |
Tác giả: Trọng Giáp
Nguồn tin: Báo VnExpress