Trong nước

Vì sao rút tên, chứ không phải xóa tên hai ứng viên Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Thế Anh?

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đến thời điểm xem xét rút tên, chưa thể khẳng định hai ứng viên Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Thế Anh có vi phạm pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu. Ảnh Như Ý

Chiều 21/5, tại buổi họp báo trước ngày bầu cử, phóng viên đặt câu hỏi về lý do hai trường hợp Hội đồng Bầu cử Quốc gia ra Nghị quyết rút tên ra khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội vừa qua. Cụ thể là trường hợp của ứng cử viên Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1967), Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; và ông Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1973), Tỉnh uỷ viên; Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Trả lời câu hỏi, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự một lần nữa khẳng định: Mục tiêu của công tác bầu cử là lựa chọn được những đại biểu ưu tú, xứng đáng tham gia Quốc hội, HĐND các cấp.

Lý giải về việc hai ứng cử viên Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Quang Tuấn vừa rút tên khỏi danh sách ứng viên, bà Thanh cho biết: “Chúng tôi khẳng định, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đúng pháp luật về việc cho rút tên đối với hai ứng cử viên này”, bà Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng Ban công tác đại biểu, việc cho hai ứng cử viên này rút tên, cũng thể hiện tinh thần làm việc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đó là bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và sự mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước, đó là lựa chọn những người ưu tú, tiêu biểu.

“Cho đến khi nào kết quả cuối cùng được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, cũng như đại biểu HĐND các cấp, thậm chí kể cả khi đã xác nhận tư cách đại biểu, nhưng đến thời điểm đó còn có những vi phạm thì vẫn tiếp tục xem xét. Kể cả đã trở thành đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp mà xuất hiện những vi phạm và có tình huống pháp lý đặt ra, các cấp vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cuối cùng là bãi miễn đại biểu đó. Tôi muốn nêu như vậy cũng để thông tin, công tác nhân sự không dừng ở giai đoạn nào mà làm cho đến khi các đại biểu thực sự được công nhận là ĐBQH và HĐND các cấp theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đơn xin rút của 2 ứng cử viên này, và trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban bầu cử tỉnh Kiên Giang và Hà Nội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xem xét khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và có Nghị quyết về việc cho rút tên với lý do sức khỏe và lý do cá nhân của 2 ứng viên này”, bà Thanh cho hay.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về lý do xin rút của hai ứng cử viên này. Trả lời vấn đề trên, bà Thanh khẳng định, việc trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí phải dựa trên cơ sở nguyên tắc và quy định của pháp luật.

Ly giải về việc cho rút mà không phải xoá tên, theo bà Thanh, thời điểm xin rút, ông Nguyễn Thế Anh chưa có bất kỳ quyết định về mặt pháp lý nào để Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm căn cứ, xoá tên khỏi danh sách chính thức.

"Còn dưới góc độ quản lý cán bộ, chúng tôi cũng đã có ý kiến. Ông Nguyễn Thế Anh xin rút, Uỷ ban bầu cử tỉnh đã quyết định, nên Hội đồng Bầu cử Quốc gia căn cứ vào đó để ra quyết định. Trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn cũng tương tự.

Hai người xin rút trên, đến thời điểm xem xét cho rút tên, chưa thể khẳng định có vi phạm pháp luật. Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ kết luận nào về việc hai ứng cử viên này vi phạm pháp luật. Quyết định như vậy nhằm đảm bảo quyền công dân, cũng như quyền của ứng cử viên. Trong khi đó ông Nguyễn Quang Tuấn còn đang là đại biểu Quốc hội, còn có quy định về quyền miễn trừ”, bà Thanh nói.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP