Giáo dục

Vì sao nhiều học sinh vô cảm trước cái ác?

Hiện tượng học sinh vô cảm trước bạo lực học đường, thậm chí không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ khi chứng kiến bạn mình đánh nhau… khiến nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà sư phạm lo ngại.

Hai nữ sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, TPHCM đánh nhau ngay trong lớp học, ngày 10/3

Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường

Chưa đầy một tháng, tại Đắk Lắk xảy ra bốn vụ học sinh đánh nhau khiến ngành giáo dục địa phương phải ra công văn “khẩn” yêu cầu chấn chỉnh.

Vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 27/2, một nhóm nữ sinh Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana) đánh nhau. Tiếp đó, ngày 3/3 nam sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) bị đánh hội đồng trong nhà vệ sinh. Ngày 4/3 một số học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột hẹn giải quyết mâu thuẫn khiến cả khu phố náo loạn. Mới nhất, tối mồng 9/3, học sinh Trường THPT Lê Duẩn (thành phố Buôn Ma Thuột) “nói chuyện” với nhóm thanh thiếu niên bằng hung khí khiến một người nhập viện.

Ngày 6/3, trong đoạn clip phát tán lên mạng, một nữ sinh Trường THCS Sen Phương, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) bị túm tóc, tát, đá vào người một cách thô bạo.

Ngày 10/3, tại TPHCM, một clip dài gần 7 phút ghi lại cảnh hai nữ sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh đánh nhau ngay trong lớp học khiến nhiều người sửng sốt. Các em học sinh còn lại không những không can ngăn mà còn chốt cửa, thản nhiên quay clip và bình luận sự việc.

Ngày 15/3, xuất hiện một clip ghi lại cảnh hai nữ sinh (một em học lớp 8, một em lớp 10) đánh nhau ở huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Điều bức xúc khi xem clip là hai em đánh nhau trong tiếng reo hò, cổ vũ, thậm chí có người còn chỉ cách đánh nhau. Trong khi đó, nhiều học sinh khác dùng điện thoại quay lại cảnh đánh nhau tung lên mạng xã hội…

Thầy cô cũng lúng túng?

Gần 10 năm tham gia chia sẻ về văn hóa ứng xử, phòng tránh bạo lực học đường, TS chuyên ngành xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, tình trạng đánh nhau ở học sinh trong thời gian gần đây đang gia tăng trở lại, đặc biệt là sau đợt nghỉ học do COVID-19.

Theo bà Thúy, trong thời gian dài nghỉ học, ở nhà học online, các em lướt mạng, chơi game, chịu áp lực từ các vấn đề học tập, gia đình có khó khăn về việc làm, kinh tế sa sút... là một trong số nguyên nhân khiến một bộ phận nhóm trẻ có những căng thẳng, bức xúc, “giận cá chém thớt”, dễ dẫn đến các tình huống bạo lực.

Ngoài ra, theo bà Thuý, sự khác biệt của học sinh trong lớp, trong trường như học giỏi, xinh đẹp, ngoại hình nổi bật... hoặc những học sinh quá khép kín (trầm tính, ít nói, không có nhiều bạn bè...) có thể là nguyên nhân khiến các em dễ bị bắt nạt, bị đánh. “Một lý do khác thường thấy bắt nguồn từ những hiểu lầm đơn giản như “nhìn đểu”, “nói đểu”. Yêu đương cũng là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều học sinh đánh nhau. Việc đăng đàn, bình luận những lời lẽ khiếm nhã, khiêu khích lên mạng khiến các em nổi nóng, muốn đánh nhau để dằn mặt”, TS Thúy dẫn chứng.

Cha mẹ, nhà trường cần kịp thời quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện khác lạ, người lớn cần hỏi han, động viên, giúp các em vượt qua những khó khăn ở tuổi dậy thì. “Mâu thuẫn của trẻ có thể bộc phát trong mọi thời điểm, nhưng phần lớn đều hình thành trong một thời gian dài. Khi nhận thấy bản thân và bạn bè đang có mâu thuẫn, trẻ cần học cách giải quyết và xoa dịu. Nếu không thể tự giải quyết, học sinh có thể nhờ đến bên thứ ba là bạn bè, cha mẹ, thầy cô... cùng đồng hành giải quyết.

Theo bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, quận 1 (TPHCM), không phải đến lúc này mà ngay từ nhỏ, các em phải được trang bị cách thức nhận diện tình huống và bày tỏ ý kiến về cái xấu, ác để hình thành phản xạ và kỹ năng. Môi trường học đường không thể chấp nhận lối hành xử “chị đại”.

Ngày 17/3, ông Lê Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã ra quyết định kỷ luật học sinh liên quan đến clip nữ sinh lớp 10 của trường bị đánh lan truyền trên mạng xã hội.Theo đó, ngoài việc bị đình chỉ học một tuần, hai em đánh bạn còn bị xếp hạnh kiểm yếu trong học kỳ II.

Đối với 5 học sinh có hành vi cổ vũ, quay video, sẽ bị cảnh cáo trước toàn trường, xếp hạnh kiểm yếu; 8 em khác thờ ơ trước hành vi xấu của bạn bị khiển trách trước hội đồng kỷ luật.

Tác giả: NGUYỄN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP