Kinh tế

Vì sao giá xăng khó giảm?

Các khoản thuế phí, trích lập quỹ dự phòng, lợi nhuận định mức, chi phí vận hành…chiếm hơn 56% tổng giá thành bán ra của mỗi lít xăng.

Cõng nhiều thuế, phí

Chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá xăng đã tăng 2 lần liên tiếp với mức tăng rất mạnh. Trong bài viết đăng tải ngày 20/4, báo Thanh niên đã chỉ ra nguyên nhân khiến mặt hàng này khó giảm giá như kỳ vọng của người tiêu dùng, mà nguyên nhân chính là hàng loạt thuế, phí đang đè nặng lên giá xăng.

Cụ thể, hiện cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế, thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (4.000 đồng), chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng).

Chẳng hạn trong mỗi lít xăng RON95 có giá bán lẻ trên thị trường là 21.380 đồng, tổng chi cho các khoản thuế phí, trích lập quỹ dự phòng, lợi nhuận định mức, chi phí vận hành… nói trên (chưa bao gồm giá CIF nhập về) là 12.064 đồng, chiếm hơn 56% tổng giá thành bán ra của mỗi lít xăng RON95. Tương tự với giá bán lẻ 19.700 đồng/lít E5 - RON92, mỗi lít xăng sinh học bán ra thị trường cũng cõng khoảng 11.181 đồng thuế phí, trích lập… nói trên.

Giá xăng đã tăng 4.000 đồng/lít tính từ đầu năm đến nay. Ảnh: Tiền phong

Báo Thanh niên dẫn lời PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho biết, thực tế tỷ lệ các loại thuế phí như vậy áp với sản phẩm xăng tại thị trường Việt Nam không cao hơn thế giới. Câu chuyện của thị trường xăng Việt Nam nằm ở thị trường.

Ông nói: “Nhiều nước trên thế giới áp các loại thuế phí lên đến 70%, trong đó, thuế môi trường là cực kỳ cao. Nên tôi nghĩ tỷ lệ đó không đáng bàn cãi. Vấn đề của điều hành xăng không nằm ở giá cả mà nằm ở thị trường, phân phối”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lại cho rằng, 1 lít xăng đang “cõng” quá nhiều loại thuế, phí và đề xuất tiết giảm các loại thuế này sẽ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong cũng thừa nhận, về mặt kinh tế, điều này là không khả thi vì trong bối cảnh ngân sách thiếu thốn như hiện nay. Việc rút đi nguồn thu từ xăng dầu sẽ tác động rất lớn tới “túi tiền” nhà nước, không đủ nguồn chi, nguy cơ cao dẫn tới lạm phát. Do đó cần chính sách hài hòa, không giảm thuế nhưng có thể xem xét giảm các chi phí như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, các chỉ tiêu kỹ thuật. Hay với xăng E5 có thể giảm giá ethanol và đấu giá mua dầu công khai để giảm các loại chi phí “đen”.

Giá xăng Việt Nam buộc phải theo giá quốc tế?

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, giá xăng Việt Nam bắt buộc phải được điều chỉnh theo giá quốc tế bởi xăng Việt Nam được nhập khẩu là chính. Cho dù năm nay các nhà máy lọc xăng dầu trong nước đang cung cấp hơn 30% xăng cho thị trường nội địa thì giá xăng Việt Nam vẫn phải tham chiếu giá thế giới vì xăng lọc cũng nhập từ các nước số lượng lớn và các loại thuế phí nói trên trong bối cảnh hiện nay là “bình thường”.

Trong khi đó, từng góp ý trên báo Tuổi trẻ về cơ chế điều hành giá xăng dầu, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính - cho rằng cần xem lại giá xăng dầu trong nước, do hiện nay Việt Nam đã tự chủ sản xuất được 80 - 90% nhu cầu. Nên căn cứ điều chỉnh xăng dầu trong nước không thể hoàn toàn theo giá xăng dầu nhập khẩu nữa.

Thực tế, cách điều hành có độ trễ nên điều bất cập thấy rõ là lần điều chỉnh gần đây nhất, chúng ta tăng mạnh giá xăng dầu trong khi giá xăng dầu thế giới lại đang có xu hướng giảm.

"Khi chúng ta tự chủ đến 80 - 90% thì không thể căn cứ vào giá nhập khẩu để điều hành như khi chúng ta nhập khẩu gần như toàn bộ được", ông Ánh đặt vấn đề.

Các chuyên gia đều đồng tình cho rằng cần bỏ đi lợi nhuận định mức để công bằng với các ngành kinh doanh khác, cùng với điều hành sát diễn biến thị trường.

"300 đồng/lít cho khoản lợi nhuận định mức lúc này có bỏ hay giữ vẫn không khiến giá xăng giảm được. Tuy nhiên, tư duy áp định mức lợi nhuận hay chi phí định mức gì gì đó là tư duy bao cấp, cần xóa bỏ tư duy này. Và như vậy, muốn người tiêu dùng Việt thôi bàn cãi, phàn nàn về giá xăng cao thấp, bỏ những khoản nặng tư duy bao cấp cũng là một cách", TS Vũ Sỹ Cường nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, việc “bảo hành” lợi nhuận sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là quản lý chất lượng xăng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp không có cạnh tranh, cơ quan kế toán, tài chính nhà nước rất khó để phân biệt năng lực của các doanh nghiệp, đánh mất đi môi trường cạnh tranh công bằng giữa các công ty kinh doanh xăng dầu.

Tác giả: Minh Thái

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: xăng giảm ,giá xăng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP