Kinh tế

Vì sao đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa, giá vé sẽ tăng bao nhiêu?

Để giúp các hãng hàng không giảm chi phí do nhiên liệu bay tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho tăng giá trần vé máy bay nội địa với mức tăng trung bình 3,75% so với khung.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng tăng giá trần vé máy bay nội địa bằng mức năm 2014 là phù hợp khi giá nhiên liệu bay tăng cao mà các hãng hàng không chưa kịp phục hồi sau đại dịch - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không cho biết khi hàng không bắt đầu hồi phục, từ tháng 5-2020 đến hết năm 2021, giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng trở lại và tiệm cận mức giá giai đoạn năm 2018-2019.

Tuy nhiên, đầu năm 2022, đặc biệt khi xảy chiến sự giữa Nga và Ukraine, giá Jet A1 tăng cao đột biến. Theo dữ liệu thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế - IATA, ngày 1-4, giá Jet A1 khu vực châu Á đã lên tới 132,63 USD/thùng, dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 121,9 USD/thùng.

Cục Hàng không đã họp với các hãng hàng không Việt Nam để đánh giá ảnh hưởng biến động giá nhiên liệu đến hoạt động của các hãng cũng như đối với giá vé trên các đường bay nội địa.

Nếu tỉ trọng chi phí Jet A1 chiếm 39,5% tổng chi phí và chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4-2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12-2014 và tăng 84% so với tháng 9-2015; tác động làm tổng chi phí tăng 28% so với tháng 12- 2014 và tăng 33% so với tháng 9-2015.

Nếu năm 2022, giá Jet A1 bình quân 130 USD/thùng, Vietnam Airlines sẽ tăng thêm chi phí 5.700 tỉ đồng, Vietjet tăng thêm 5.200 tỉ đồng, Bamboo Airways tăng 3.200 tỉ đồng, Vietravel Airlines tăng 310 tỉ đồng…

Trong khi đó, năm 2015 giá nhiên liệu bay có xu hướng giảm nên từ ngày 11-9-2015 Bộ Giao thông vận tải đã cho giảm giá trần vé máy bay nội địa với mức trung bình khoảng 3,5% so với khung giá năm 2014. Khung giá này được giữ nguyên từ tháng 9-2015 tới nay.

Theo Cục Hàng không, trong bối cảnh các hãng liên tục chịu sức ép chi phí khi biến động giá Jet A1 tăng cao trong khi chưa kịp phục hồi sau dịch COVID-19, các hãng đề xuất cần tăng giá trần vé máy bay nội địa là phù hợp.

Cục Hàng không cho biết biến động chi phí Jet A1 hiện làm tăng hơn 30% tổng chi phí của các hãng hàng không. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành hàng không là thực hiện cơ chế giá vé linh hoạt, các hãng đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa bằng mức của năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành) là phù hợp trong giai đoạn Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát chỉ số CPI và kiềm chế lạm phát. Cụ thể mức tăng như sau:

Nguồn: Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam - TUẤN PHÙNG tổng hợp

Cục Hàng không lý giải thêm, giá vé máy bay nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Các hãng xây dựng và thực hiện kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường… Thông thường, số lượng vé phổ thông được bán với mức giá cao nhất (kịch trần) của các hãng chiếm tỉ trọng rất nhỏ.

Việc tăng giá trần bằng mức của năm 2014 không đồng nghĩa với việc các hãng đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, tăng cường các mức giá vé rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích hành khách đi máy bay.

Theo Cục Hàng không, tháng 5-2020 Tổng cục Thống kê có văn bản cho rằng việc đưa giá trần vé máy bay nội địa bằng mức của năm 2014 sẽ góp phần làm CPI chung tăng 0,003%. Vì vậy, Cục Hàng không dự kiến việc tăng giá trần vé máy bay nội địa như trên gần như không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2022.

Cục Hàng không cho biết hiện nay dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, thị trường hàng không cũng đã dần phục hồi nên phương án áp dụng giá tối thiểu (giá sàn) vé máy bay nội địa bằng 20% mức tối đa (giá trần) trong 12 tháng mà cơ quan này đề xuất Bộ Giao thông vận tải vào tháng 8-2021 không còn phù hợp.

Bởi đây là phương án mang tính chất giải quyết tình huống, nhằm giảm bớt phần nào khó khăn cho các hãng hàng không trong giai đoạn dịch COVID-19 gây những tác động tiêu cực khiến sản lượng vận chuyển, doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán.

Tác giả: TUẤN PHÙNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP