Kinh tế

Vải thiều đi Mỹ: 10 năm, giấc mơ đổi đời

Những vườn vải bạt ngàn sai trĩu quả bắt đầu chín điểm, chỉ chờ được thu mua để xuất đi Úc, Mỹ, Nhật,... Có được thành quả như vậy là cả một hành trình 10 năm quả vải Việt vất vả tìm đường xuất ngoại.

Vải xuất ngoại, dân bội thu

Về xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) vào những ngày cuối tháng 5, nhìn những vườn vải ngút ngàn, sai trĩu quả đang ngả dần sang màu hung đỏ khiến ai nấy cũng phải trầm trồ. Người dân thì phấn khởi, cố gắng chăm sóc thật cẩn thận, đảm bảo đến ngày thu hoạch vải sẽ ngon và sạch nhất, sẵn sàng cho những đơn hàng xuất ngoại.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn vải rộng hàng mẫu của mình, ông Giáp Văn Thành - Tổ trưởng tổ sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất ngoại tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, cho biết, vải năm nay được mùa và cho chất lượng quả đẹp hơn năm ngoái.

"Vừa qua, có 4 đoàn nước ngoài về thôn của tôi để xem vùng trồng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tất cả đều gật gù khen người dân làm tốt, vải mẫu mã đẹp ", ông nói.

Ông Thành chia sẻ, 2 năm nay, nhờ các bộ ngành và chính quyền quan tâm hướng dẫn, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng vải theo quy trình VietGap, đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Úc, Mỹ, Nhật,...

Vải thiều Bắc Giang đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch


Cụ thể, các hộ tham gia trồng vải phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo, như tuyệt đối không sử dụng 5 hoạt chất bị cấm phun lên vải, vườn vải lúc nào cũng phải dọn dẹp sạch sẽ, phun các loại thuốc đúng theo hướng dẫn.

"Kết quả, vụ vải năm 2015, gia đình tôi xuất được vải đi Úc, Nhật, Malaysia với giá cao gấp đôi giá bán cho Trung Quốc", ông Thành khoe.

Ông Thành cũng cho hay, những năm trước, người dân trồng vải tự do, chất lượng vải kém, hay bị sâu đầu nên thương lái thường ép mua với giá rẻ. Thậm chí, vào kỳ thu hoạch rộ, dân không biết bán đi đâu, nhìn vải chín rụng đầy vườn mà chua xót, rớt nước mắt vì tiếc tiền của, công sức của mình. Song, từ năm 2015, người dân địa phương bắt đầu chuyển sang canh tác sạch. Vải nhờ đó không những đắt hàng mà còn bán được với giá cao.

"Cũng ngần ấy diện tích trồng vải, năm 2015, nhờ vải xuất ngoại được mà gia đình tôi thu 300 triệu đồng, trong khi những năm trước chỉ được khoảng 120 triệu" - ông Thành nói dự kiến năm nay còn bội thu hơn vì vải được mùa, quả đẹp, lại có nhiều khách nước ngoài đến thăm và hỏi mua.

Tương tự, đứng trên tầng hai căn nhà mới xây năm 2015 để ngắm vườn vải của gia đình, anh Nguyễn Văn Lưu (thôn Kép 1), tâm sự: "Thị trường rộng mở, vải chất lượng ngày càng cao nên chắc chắn năm nay sẽ bội thu".

Trải qua nhiều năm gắn bó với quả vải thiều, nhưng chưa bao giờ anh Lưu thấy hào hứng, chờ đợi đến ngày thu hoạch vải như năm nay.

Để qua vải được xuất ngoại phải mất cả quá dài trình 10 năm


"Những năm trước chỉ sợ vải ế, giá giảm. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay thì yên tâm rồi. Vải luôn được các công ty đến tận vườn thu mua, không thì thương lái Trung Quốc cũng tranh nhau mua với giá cao ngất ngưởng", anh Lưu nói.

10 năm biến giấc mơ xuất ngoại vải tươi

Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, để quả vải tươi xuất ngoại thành hiện thực là cả một hành trình dài 10 năm trời chuẩn bị và đàm phán với các đối tác, nhất là với Úc và Mỹ.

"Một số loại quả, quá trình chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật theo quy định về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu rất vất vả. Nếu không đáp ứng đúng quy định, họ yêu cầu bổ sung, còn đáp ứng được thì họ sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại (PRA). Bước tiếp theo, họ sẽ xây dựng và đưa ra các biện pháp quản lý đối với từng loại dịch hại,...

Quá trình này tốn rất nhiều thời gian. Trung bình, để mở cửa đường xuất khẩu cho một loại trái cây mất 3-4 năm, nhiều trường hợp phức tạp có thể mất hơn 10 năm. Đối với quả vải, để hoàn tất các khâu kỹ thuật, đưa quả vải tươi vào Úc và Mỹ, chúng ta mất hơn 10 năm", ông Trung nói.

Hiện nay, đã có Mỹ, Úc, Nhật... đồng ý mở cửa thị trường cho quả vải thiều Việt Nam


Theo ông Trung, Úc, Mỹ là những thị trường cực kỳ khó tính, song, chúng ta vẫn quyết tâm mở cửa những thị trường này để giúp bà con nông dân bán được vải với giá cao hơn và tiếp cận với các quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ví như, phải cấp được mã vùng, trong khi người dân trồng manh mún, nhỏ lẻ, phải ghép 28-30 hộ vào với nhau mới cấp được 1 mã số vùng trồng (khoảng 10ha). Bên cạnh đó, cũng phải hướng dẫn người dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, không dùng hoạt chất cấm để phun lên cây vải, rồi cả quy trình chiếu xạ, thu hoạch,...

Đến khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, đàm phán thành công, thì chúng ta lại không có nhiều doanh nghiệp thu mua. "Lúc đó, Bộ NN-PTNT phải mời doanh nghiệp cùng tham gia, với quan điểm phục vụ và tạo điều kiện tốt nhất để họ thu mua vải cho bà con”, ông Trung nói.

Thậm chí, Cục Bảo vệ thực vật còn cử cán bộ kiểm dịch về tận vườn vải thiều, khi doanh nghiệp thu mua đóng gói sẽ tiến hành kiểm dịch luôn, rút ngắn thời gian cho trái vải xuất ngoại.

"Sau vô vàn khó khăn, năm 2015, quả vải thiều đã xuất ngoại thành công, thậm chí xuất khẩu được vào những thị trường khó tính nhất như: Úc, Mỹ, Nhật, các nước EU,... " - ông Trung nói. Ông kỳ vọng năm nay, vải xuất ngoại chắc chắn sẽ nhiều hơn năm trước nhờ giá cạnh tranh hơn.

Lý giải điều này, ông Trung cho hay năm nay đã có sự chuẩn bị rất tốt từ các Bộ và địa phương. Đáng lưu ý, doanh nghiệp sau khi thu mua sẽ chuyển lên Hà Nội để đóng gói, chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ KH-CN) và xuất khẩu ngay. Vì vậy, sơ bộ tính toán đã tiết kiệm được 15-16 triệu đồng/1 tấn vải.

Tác giả bài viết: Bảo Hân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP