Trong tỉnh

UBND tỉnh cho ý kiến nội dung dự thảo thuộc lĩnh vực Tư pháp

Sáng 5/6, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để cho ý kiến đối với các nội dung dự thảo thuộc lĩnh vực Tư pháp. Đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe và thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức chi đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, việc xem xét thông qua Nghị quyết này để thay thế Nghị quyết số 35/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là cần thiết và phù hợp nhằm bảo đảm nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 8/2/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Thị Thu Trang trình bày dự thảo

Tiếp đó, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Quyết định về việc ban hành Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Nghệ An.

Mục tiêu của Dự thảo Đề án đưa ra là: 100% văn bản do UBND, HĐND tỉnh ban hành thực hiện đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. 100% văn bản do UBND, HĐND tỉnh ban hành đảm bảo tính hợp Hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. 100% việc kiểm tra văn bản được rà soát, xử lý và hệ thống hóa theo quy định. Thực hiện cập nhật 100% văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành qua các thời kỳ theo quy định vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Đảm bảo bố trí đủ người, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho bộ phận trực tiếp thực hiện công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và cấp huyện. Cải thiện điểm số trong cải cách hành chính tỉnh Nghệ An đối với thể chế, năm sau tốt hơn năm trước.

Đề án thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2030. Căn cứ các nội dung đề án, hàng năm, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng nhiệm vụ đảm bảo đúng thời gian thực hiện được quy định trong Đề án.

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thị Mai Thương đề nghị xem xét lại trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh trong Đề án

Thảo luận về dự thảo Quyết định này, các đại biểu đề nghị cần xem xét, nghiên cứu lại tên gọi, mục tiêu Đề án, trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Các đại biểu cũng cho rằng, các nhiệm vụ giải pháp còn mang tính chung chung, chưa có các giải pháp cụ thể, tương xứng để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra...

Thống nhất thông qua nội dung dự thảo Quyết định này, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, việc đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nội dung rất cần thiết. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Tư pháp tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quyết định.

Cũng trong cuộc họp sáng nay, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Dự thảo Chương trình hành động đã đưa ra 08 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Hiến pháp, pháp luật và về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển của địa phương; Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND; Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; thực hiện có hiệu quả các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước gắn với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lê Văn Quỳnh đề nghị cần bổ sung nguồn nhân lực các cơ quan Tư pháp để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Góp ý vào dự thảo Chương trình hành động, các đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm nội dung hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp; cần bổ sung nguồn nhân lực các cơ quan Tư pháp để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả; cần tách phần tổ chức thực hiện của các đơn vị theo ngành dọc để phù hợp với thực tiễn; bổ sung thêm nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết trong quá trình thực hiện...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu

Kết luận nội dung này, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Tư pháp tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về quá trình thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo khi có yêu cầu...

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP