Trong nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền: “Đích cuối cùng là mang lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào”

Bác Hồ đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người còn mãi thẩm thấu vào trái tim, khối óc mỗi người dân Việt Nam. Sinh thời, Bác không dùng khái niệm Nhà nước pháp quyền nhưng tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền đã được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang với tư cách là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022), phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng để hiểu hơn Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền.

Nhà nước thực sự của dân

PV: Thưa PGS.TS, Bác Hồ từng nói: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân...”. Qua nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều năm và kinh nghiệm từ thực tiễn, xin ông cho biết quan điểm xuyên suốt “Nhà nước thực sự của nhân dân” đó đã trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước như thế nào?

- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân đã bắt đầu ngay từ khi Bác đi tìm đường cứu nước. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”, Người từng quyết chí ra đi tìm đường cứu nước như thế.

Tư tưởng đó cũng thể hiện trong lần Nguyễn Ái Quốc đến gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Anbe Xarô vào năm 1922 tại Pháp, Người đã nói: “Điều mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Đến năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác cũng xác định rõ, kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, quyền làm chủ đất nước là của đại đa số quần chúng nhân dân. Một cuộc cách mạng mang lại lợi ích cho tất cả quần chúng nhân dân mới là cuộc cách mạng triệt để.

Tư tưởng này được Bác thể hiện rõ ràng, xuyên suốt ngay từ trước khi thành lập Đảng và được Người tiếp tục cụ thể trong Cương lĩnh chính trị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930).

Sau này, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác đã xác định rất rõ tư tưởng của một Nhà nước vì dân qua tiêu ngữ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đó là “Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Cùng với đó, câu nói của Người là “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” đã thể hiện cái đích cuối cùng phải là mang lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.

Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Bác đã đi ngay vào thực hiện các chính sách chăm lo đời sống, giải quyết những vấn đề cấp bách của dân là “diệt giặc dốt, diệt giặc đói” để ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Với tinh thần đó, Bác cũng tiếp tục chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và được Quốc hội thông qua chính là hình ảnh đầu tiên của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng đều thống nhất, quán triệt mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân”.

Đến ngày nay, tư tưởng đó vẫn tiếp tục được xây dựng và củng cố. Trong bài phát biểu mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” cũng nhấn mạnh mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng ta cần đến một Nhà nước, một xã hội mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong xã hội chứ không phải lợi ích cho thiểu số. Đó chính là sự thống nhất giữa mục tiêu của chủ nghĩa xã hội với Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân. Bây giờ là lúc Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước “hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Ba điểm mấu chốt xây dựng Nhà nước pháp quyền

PV: Để tiếp tục vận dụng tư tưởng của Người trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, theo ông, cần tập trung vào một số nội dung gì?

- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đang xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban chỉ đạo. Việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền này, theo tôi có một số điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao… Tất cả cần được hoàn thiện để đảm bảo đời sống của nhân dân, hướng tới mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Mọi người, mọi tầng lớp trong đời sống xã hội đều phải được quan tâm đầy đủ.

Thứ hai, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật còn phải tập trung nâng cao hiểu biết pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cán bộ Đảng viên trong Đảng, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân phải được giáo dục và tuyên truyền pháp luật một cách bài bản, để hiểu được pháp luật và tự giác thi hành pháp luật theo phương châm “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không làm được thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật rất khó khăn. Có như vậy mới hoàn thiện được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng có một Vụ chuyên về tuyên truyền giáo dục pháp luật và rất nhiều tổ chức, cơ quan trong đó có Hội Luật gia Việt Nam cũng đang thực hiện rất hiệu quả việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí tới người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội. Điều này sẽ giúp người dân hiểu biết pháp luật tốt hơn.

Vấn đề thứ ba, tham gia tích cực vào hội nhập quốc tế và đóng góp vào xây dựng luật pháp quốc tế, tự giác chấp hành luật pháp quốc tế thật tốt. Mỗi quốc gia trên thế giới trong thành viên của Liên Hợp Quốc đều hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền. Liên Hợp Quốc với tư cách là cơ quan cao nhất của các quốc gia cũng đã xây dựng Hiến chương Liên Hợp Quốc từ năm 1945. Đến nay, hệ thống pháp luật của Liên Hợp Quốc cũng đã khá hoàn chỉnh. Các quốc gia trên thế giới ngoài việc tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật của Liên Hợp Quốc thì cũng phải nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế, đảm bảo đời sống quốc tế lành mạnh.

Tôi nói điều này cũng bởi sinh thời, Bác Hồ không chỉ hoạt động cách mạng trong nước mà còn hoạt động cách mạng quốc tế. Đó cũng chính là tầm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1919, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Versailles (tại Pháp) đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi ấy lấy tên Nguyễn Ái Quốc) nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương. Sau này, Người đã khẳng định vai trò của pháp luật bằng câu thơ: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

PV: Thưa ông, việc nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp thể hiện chế độ dân chủ, Nhà nước do nhân dân lập ra và người dân có quyền kiểm tra, giám sát. Theo ông, quá trình kiểm tra, giám sát thể hiện dân chủ đó trong thời đại 4.0 hiện nay của người dân có những thuận lợi và thách thức như thế nào?

- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân có thể thực hiện qua các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp…Trong đó, Quốc hội thể hiện quyền giám sát tối cao, HĐND thực hiện vai trò giám sát cơ quan. Vai trò giám sát đó cũng đã được thực hiện từ rất sớm, ngay từ Hiến pháp 1946 và được hoàn thiện xuyên suốt qua các Hiến pháp sau này.

Với thành quả của khoa học công nghệ hiện nay, xây dựng mô hình chuyển đổi số hóa trong các cơ quan Nhà nước đang được áp dụng mạnh mẽ, đòi hỏi các cơ quan giám sát, các đại biểu cũng phải nâng cao trình độ, nâng cao hiểu biết để tiếp cận và thực hiện vai trò giám sát được hiệu quả.

Tất nhiên, hình thức giám sát truyền thống vẫn phải làm tốt, nhưng phải nâng cao hơn về công nghệ thông tin, bám sát thực tiễn, đời sống quốc tế.

Đây cũng là cách thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đảm bảo quyền dân chủ. Dân chủ ở mỗi thời điểm lịch sử phải được vận dụng đúng hoàn cảnh để mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất và lợi ích cao nhất cho người dân. Cái đích cuối cùng là người dân được hưởng thụ những gì, đời sống cả vật chất, tinh thần, đều phải được thỏa mãn theo đúng mục tiêu cách mạng của Đảng đã nêu ra và của bản thân Nhà nước pháp quyền đã đặt ra.

Như tôi đã nói, cần làm sao để việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải trở thành sự nghiệp của bản thân mỗi người dân, để người dân thấy đó như nhu cầu cuộc sống của mình và tự nguyện tham gia xây dựng pháp luật, chứ không phải pháp luật là chuyện của Nhà nước.

Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đại hội XIII của Đảng nêu ra phải được thể hiện ngay trong xây dựng pháp luật. Luật pháp mang lại lợi ích cho người dân thì dân phải được biết, được tham gia. Khi đã tham gia rồi thì phải hiểu nó một cách sâu sắc để thực thi pháp luật mang lại lợi ích cho đất nước mình, cho bản thân và gia đình mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông

Tác giả: Dương Thu – Đặng Thủy

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP