Kinh tế

"Từ tỉ phú nuôi lợn, giờ tôi không có tiền để đi ăn cưới…"

Đó là lời tâm sự đầy ám ảnh của ông Đại Văn Xây (thôn Yên Thích, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) trong “cơn khủng hoảng giá” thịt lợn hơi. Mức giá xuống thấp nhất trong nhiều năm qua đã kéo tụt hy vọng có đồng ra đồng vào của những nhà nông quanh năm vất vả, và đẩy nhiều gia đình vào cảnh trắng tay, điêu đứng…

Từ tỉ phú nuôi lợn, bỗng chốc hóa… bệnh nhân tay trắng

Vốn là người đàn ông phong độ, biết làm ăn, ông Xây dựa vào chính những nghề nông cơ bản để làm giàu, chủ yếu bằng hình thức mở rộng quy mô chăn nuôi, liên tục có đàn xuất chuồng.

Nuôi cả bò, gà song ông Xây đặt nhiều quyết tâm nhất vào con lợn, vì suốt một thời gian dài, loài động vật truyền thống của nhà nông này mang lại nguồn thu rất ổn định.

Trong “cơn khủng hoảng giá” thịt lợn hơi, tôi tìm đến nhà ông để hiểu hơn về nỗi khổ của một người dành nhiều tâm huyết cho nghề chăn nuôi, và bị điêu đứng khi giá lợn hơi giờ còn xuống thấp hơn cả một số loại rau củ.

Đặt chân tới nhà ông Xây ở thôn Yên Thích, tôi lập tức ấn tượng với cơ ngơi bề thế của gia đình ông, so với những nhà nông khác trong vùng. Nhà cao, cửa rộng, vô cùng thoáng đãng và được thiết kế rất hợp lý, nhưng chỉ có điều, mọi thứ lại yên tĩnh đến lạ kỳ, hoàn toàn không giống như tưởng tượng ban đầu về một ngôi nhà ồn ã tiếng lợn kêu, gà gáy của một gia đình đi lên bằng nghề chăn nuôi.

Ra đón tôi là ông Xây, với dáng vẻ xuống phong độ thấy rõ, so với những gì tôi được nghe trước đây. Trước mắt tôi là một người đàn ông dáng cao, gầy, nếp nhăn tập trung nhiều giữa đôi lông mày khá rậm. Ông vẫn mặc chiếc quần “công nhân” và đi đôi giày nhựa vàng – “bộ trang phục” đặc trưng để chuyên đi thăm lợn.

Nhưng những điều đó không khiến tôi ấn tượng bằng vẻ mặt “chấp nhận" đến bình thản lạ kỳ của ông. Đã biết trước là ông phải trải qua quá trình “hao tâm tổn trí” dài ngày vì lợn, tôi cũng không nghĩ ông lại có vẻ mặt như vậy. Vẻ mặt ấy dễ khiến người ta ám ảnh, vì nó dường như là sự trải qua của thất vọng cùng cực, và rồi chấp nhận để sống tiếp…


Những con lợn còn sót lại trong chuồng nhà ông Xây

Ngồi đối diện với ông, tôi được nghe những thông tin không mới, nhưng chẳng hiểu sao, nó vẫn tạo ra một cảm giác xót xa tới lạ lùng.

Ông Xây kể, hệ thống chuồng trại nuôi lợn của ông được xây dựng rất công phu và tốn kém. Vì ông tính toán quay vòng lãi để đầu tư, sao cho liên tục có đàn xuất chuồng. Cũng nhờ thế, vào thời gian lợn được giá, chuyện tiền tỉ với ông không có gì là lạ, dù nhà ông ở vùng quê còn nhiều vất vả.

“Lãi một năm 300 triệu đồng là bình thường, chú ạ”, ông trầm ngâm nghĩ về thời vàng son, khi con lợn giúp nhà nông có đồng ra đồng vào. Và đàn lợn nhà ông luôn có vài trăm con.

Nhưng tới thời điểm tháng 10-2016, mọi thứ bắt đầu đảo chiều. Giá lợn hơi xuống còn 30.000 đồng/kg, tuy sụt giá nhưng người đàn ông từng trải ấy vẫn gắng theo, với hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn.

Chẳng ai ngờ, càng theo, càng lỗ, tới thời điểm tháng 4-2017, giá lợn hơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, chỉ còn 15.000 đồng/kg, thậm chí có những thời điểm lái buôn còn hạ giá xuống 10.000 đồng, 11.000 đồng mỗi kg.

Khi ấy, ông Xây khủng hoảng thật sự. Và để những khoản nợ, khoản lỗ không chồng chất thêm, ông buộc phải bán phá đàn – lợn 50 kg, 60 kg cũng bán, chứ không nuôi tới “ngưỡng” 100 kg như trước.

Nói tới chữ “bán phá đàn”, giọng người đàn ông ấy chùng xuống, có gì đó nghèn nghẹn. Hẳn lúc ấy là ông lại cảm nhận cái nỗi đau ùa về, nỗi đau của người dành nhiều công sức gây dựng, và giờ phải bán vội bán vàng trong cơn thua lỗ.

“Không bán thì chết. Mở mắt ra là thấy lỗ rồi chú ạ. Tiền cám 250.000 đồng một bao 25 kg. Tính ra, mỗi ngày một con lợn to ăn hết 40.000 đồng tiền cám, lợn bé là 20.000 đồng. Vài triệu bạc cứ đi tong mỗi ngày, mà khi bán thì biết chắc là lỗ”, ông Xây bùi ngùi điểm lại.

Mà lại nói chuyện cám, trước đây các đại lý bán cho người dân theo dạng ứng trước, tức là cứ mang cám về cho lợn ăn, rồi khi bán được tiền thì thanh toán sau. Giờ khó khăn, họ buộc phải trả tiền trước thì mới giao cám, thành ra, người nuôi lợn chẳng biết xoay xở ở đâu, còn những con lợn thì… đói.

Bởi vậy, nhà ông Xây đã phải mua bã sắn về cho lợn ăn tạm, gọi là cầm hơi cho chúng khỏi chết đói. Chứ giờ vẫn cố mà giữ lợn, để cho chúng ăn cám, thì có khi lợn sống, người nuôi lại “chết” trước chúng mất thôi.

Nghe ông nói vậy, tôi mới nhớ ra những bao tải chất đống ở cạnh cổng vào nhà. Hóa ra đó là những bao tải sắn cầm hơi – “giữ mạng” cho cả người và lợn.

Còn lợn, là... còn nợ

Xong rồi ông lại thở hắt ra, “tôi hết lực rồi, không cứu được lâu nữa đâu. Không biết rồi vài tháng nữa, sẽ phải làm sao đây”. Rồi ông lại quay mặt để giấu đi cái nuốt nước bọt cay đắng “bao nhiêu công sức gây dựng nhiều năm qua, tất cả trở về con số 0 cả rồi”.

Cao trào trong nỗi niềm chia sẻ ấy, là ông Xây phải ngửa mặt lên tự trách mình, “tại tôi tham quá, mở rộng quá, chứ ở tuổi tôi, nhiều người nghỉ ngơi rồi, thì đâu còn những nỗi lo, nỗi khổ như ngày hôm nay”.

Nghe ông tự trách như vậy, tôi bỗng thấy xót xa. Ở đâu đó, người ta cũng đang trách nông dân, bảo họ rằng tham, thấy lợn được giá thì thi nhau nuôi, tới khi vỡ trận lại kêu than…

Hỡi ôi là cay đắng!

Từ bao giờ, những người có ước mong làm giàu chính đáng, đổ mồ hôi công sức ra chăm bẵm từng con lợn, lại bị coi là tham? Nếu nghĩ hồ đồ như vậy, thì còn ai dám làm giàu trên những mảnh đất, mảnh ruộng quê hương?

“Trước đây, tiền trăm triệu với tôi là bình thường. Còn giờ, thú thật với chú, tôi chẳng còn gì cả, không biết lấy tiền đâu mà tiêu. Nợ tiền cám, nợ ngân hàng… nó bám lấy mình. Đến tiền ăn cưới tôi còn không có, phải đi vay lãi”, ông Xây nói mà không muốn nhìn thẳng vào mắt người đối diện.

Với nỗi thất vọng tràn trề như thế, ông đã thức trắng suốt nhiều đêm dài, vừa tiếc, vừa buồn, vừa lo lắng, vừa tự trách mình. Rồi cuối cùng, ông phải nhập viện để điều trị, bỗng chốc từ một “tỉ phú nuôi lợn”, ông trở thành bệnh nhân tay trắng…

Khi gặp tôi, là ông đã ở viện về được một thời gian, và giờ tôi hiểu tại sao khuôn mặt ông lại có “sự chấp nhận bình thản” đến ám ảnh như vậy.

Những chuồng nuôi lợn vắng tanh, quạnh quẽ

Chia sẻ mãi, rồi ông Xây cũng dẫn tôi đi thăm hệ thống chuồng trại của ông, để mục sở thị cái sự vắng tanh, quạnh quẽ của nhà nuôi lợn trong tâm “bão thấp giá”.

Đúng là vắng tanh và quạnh quẽ đến xót xa!

Khu chuồng trại nhà ông Xây được thiết kế đúng “chuẩn” chăn nuôi, rất chuyên nghiệp. Nhưng thay vì rộn ràng tiếng lợn kêu ủn ỉn, khu chuồng trại ấy giờ bỏ trống gần như toàn bộ.

Còn lại vài khoanh có lợn nái và đàn lợn con – những niềm hy vọng làm giàu một thời thì giờ trở thành “cục nợ” với người nông dân. Bỏ thì thương, vương thì nhọc.

Những con lợn trong chuồng chẳng hoạt bát như lệ thường, chúng nằm hoặc đứng lom khom một chỗ. Phải chăng những con lợn ấy cũng “biết thân biết phận” rằng chúng đang là gánh nặng cho chủ, nên chẳng dám vui đùa? Mà cũng có thể, vì chúng đói quá, bởi suốt từ khi giá lợn xuống mức thảm hại, chúng chỉ được ăn bã sắn cầm hơi…

Dẫn tôi qua hết khu chuồng này tới khu chuồng khác, tiếng thở dài dường như nghe thường trực hơn trên miệng ông Xây.

“Đây, chuồng rộng thế này, giờ chỉ còn để làm chỗ thả gà tạm, chứ chẳng làm gì cả. Tôi là nông dân chính hiệu, làm giàu bằng nghề chăn nuôi. Giờ trâu bò cũng rẻ, gà chẳng ăn thua, lợn thì thất bát, tôi kiệt sức thật rồi. Chẳng còn định hướng được chi nữa”, ông vừa đi vừa chia sẻ nỗi lòng.

Chuồng lợn giờ chỉ để trống hoặc... thả gà.

Có những phương án cứu nguy, kêu gọi khẩn cấp đã được các cơ quan quản lý đưa ra. Song có đứng ngay giữa khu chuồng trại này, nghe lời mặc cả giá thấp đến xót xa từ các lái lợn, thì người ta mới biết hiệu quả “giải cứu” vẫn chưa gõ cửa các nhà nông như gia đình ông Xây.

Tôi chia tay ông trong tâm trạng ngổn ngang suy nghĩ. Rồi đây những con lợn còn sót lại trong chuồng ấy, sẽ thế nào? Chúng sẽ lại bị bán rẻ cho dứt nỗi khổ của người nuôi, hay rồi chết vì đói, vì ăn nhiều bã sắn quá? Những người chí thú làm ăn, có ước vọng làm giàu chân chính từ nghề nông như ông Xây, rồi đây sẽ ra sao? Đến bao giờ họ mới có thể “hồi sức” để có bước đi mới, hay hoàn toàn từ bỏ để chấp nhận không phải gánh rủi ro như thế này thêm một lần nào nữa?...

Người nông dân vốn đã vất vả vì công việc nặng nhọc, nay lại phải gánh những nỗi lo mà chính họ chẳng thể tự thoát ra. Tôi tin là, có không ít người đang nợ họ, nợ những người nông dân ấy một chiến lược quy hoạch, một chính sách rõ ràng, cụ thể, để họ có thể tự tin, vui vẻ làm giàu trên mảnh ruộng, mảnh vườn quê hương.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP