Đạt Lai Lạt Ma đón chào bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ tại một cuộc gặp ở Dharamsala, Ấn Độ tháng 3.2008
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hơn 90.000 km2 khu vực phía đông của dãy Himalaya gọi là Nam Tây Tạng, mà phần lớn vùng lãnh thổ này nằm trong bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Đạt Lai Lạt Ma đã chấp nhận lời mời của lãnh đạo bang Arunchal Pradesh và cho biết sẽ thăm bang này vào tháng 3.2016. Điều này khiến Bắc Kinh giận dữ.
"Trung Quốc rất quan tâm đến những thông tin trên truyền thông gần đây và kịch liệt phản đối bất kỳ chuyến thăm nào của Đạt Lai Lạt Ma đến vùng biên giới đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 28.10, theo Tân Hoa xã.
Bắc Kinh lâu nay xem Đạt Lai Lạt Ma là phần tử ly khai chống Trung Quốc và cáo buộc lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng là muốn tách Tây Tạng khỏi đại lục. Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma nhiều lần khẳng định ông chỉ muốn quyền tự trị cho Tây Tạng, vùng đất mà Trung Quốc đưa quân lên “giải phóng” hồi năm 1950.
“Ấn Độ hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề Đạt Lai Lạt Ma và sự nhạy cảm của tranh chấp biên giới. Lời mời của Ấn Độ đối với Đạt Lai Lạt Ma sẽ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực này cũng như quan hệ song phương của hai nước”, ông Lục cảnh báo.
Ông Lục Khảng còn yêu cầu phía Ấn Độ thực hiện các cam kết liên quan đến Tây Tạng và đồng thuận về vấn đề biên giới. Người phát ngôn này kêu gọi New Delhi kiềm chế nhằm “tránh làm phức tạp vấn đề biên giới và không tạo điều kiện cho hoạt động ly khai”.
Trong khi đó, New Delhi nói rằng Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo tinh thần được người dân Tây Tạng tôn sùng. Là khách mời danh dự của Ấn Độ, ông hoàn toàn có quyền đi thăm viếng bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ của Ấn Độ.
"Ông ấy có đông đảo Phật tử ở bang Arunachal Pradesh ủng hộ mình. Họ muốn ông đến và ban phước lành cho họ. Ông từng đến đây và chúng tôi thấy không có gì bất thường nếu ông đến thăm một lần nữa", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 28.10, theo Reuters.
Đại sứ Mỹ ở Ấn Độ, ông Richard Verma đã đến Arunachal Pradesh trong tháng 10 này và chuyến đi của ông cũng bị Bắc Kinh "kiên quyết phản đối".
Bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới dài 3.500 km từng dẫn đến cuộc chiến ngắn ngủi vào năm 1962. Ấn Độ cho rằng Trung Quốc chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của mình trên cao nguyên Aksai Chin ở phía tây. Căng thẳng thỉnh thoảng vẫn bùng phát ở biên giới. Hồi tháng 8.2016, Trung Quốc tức giận khi biết kế hoạch bố trí tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ ở khu vực biên giới.
Tác giả bài viết: Minh Quang
Nguồn tin: