Kinh tế

Trung Quốc giảm nhập, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm "lao đao"

Sự sụt giảm lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 có nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân cơ bản nhất là do thay đổi trong cơ cấu nhập khẩu dăm tại thị trường Trung Quốc.

Ảnh minh hoạ.


Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, kim ngạch ngạch gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tháng 7/2015 tăng lên 570 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng, trong khi giá xuất khẩu giảm.

Giá xuất khẩu giảm so với tháng trước do giá nhóm đồ nội thất quay đầu giảm 1,08% trong khi nhóm gỗ và các mặt hàng bằng gỗ giá quay đầu tăng 0,32%. So với tháng 7/2015, giá nhóm HS 94 giảm 1,04% và nhóm HS 44 giảm 4,0%.

Trong đó, giá nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất gỗ nhiên liệu, dạng khúc, thanh nhỏ, cành, bó, chủ yếu là mặt hàng dăm gỗ tiếp tục giảm tháng thứ 4 với mức giảm 1,98% so với tháng trước và giảm 5,46% so với tháng 7/2015. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, giá nhóm hàng giảm 3,39% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ nguồn Tổng cục Hải quan về kim ngạch và lượng xuất khẩu dăm của năm 2016 cho thấy những sụt giảm mạnh trong xuất khẩu dăm và điều này đang làm phát sinh những lo ngại sâu sắc trong ngành dăm và các cơ quan quản lý ngành.

Kim ngạch dăm xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 đạt 248 triệu USD, chỉ tương đương với 58% kim ngạch 5 tháng cùng kỳ của năm 2015 (430 triệu USD). Lượng dăm xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 đạt 1,8 triệu tấn, bằng 61% tổng lượng dăm xuất khẩu trong cùng kỳ của năm 2015.

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, nếu từ nay đến cuối 2016 xu hướng xuất khẩu này không thay đổi, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa kim ngạch năm 2015; lượng dăm xuất khẩu cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương với khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của 2015.

Thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy lượng dăm tồn trong nước hiện rất lớn. Sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không phải chỉ riêng cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chế biến xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng nghìn hộ gia đình, bao gồm nhiều hộ dân nghèo, là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho chế biến dăm và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.

Sụt giảm về xuất khẩu dăm cũng tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ, gây ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia. Mặc dù, đối với các cơ quan quản lý xuất khẩu, dăm vẫn được coi là xuất khẩu nguyên liệu thô, không tạo được giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Cơ quan tổng hợp, phân tích thương mại của Bộ Công Thương cũng cho biết, sự sụt giảm lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 có nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân cơ bản nhất là do thay đổi trong cơ cấu nhập khẩu dăm tại thị trường Trung Quốc.

Số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy kể từ đầu năm 2016 nguồn dăm gỗ của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này dần được thay thế bởi nguồn cung từ Australia và Thái Lan. Tại Trung Quốc, Australia đã lấy lại vị trí dẫn đầu của mình về cung dăm cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nguồn cung từ Thái Lan cũng tăng từ đó làm co hẹp thị phần của nguồn cung của Việt Nam tại thị trường này. Nguyên nhân thị phần dăm gỗ Việt Nam tại Trung Quốc co lại là do có sự cạnh tranh rất lớn với nguồn cung từ Australia và Thái Lan, đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng.

Cụ thể, chất lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang bị mất kiểm soát, hiện đang có dấu hiệu đi xuống. Điều này đã và đang gây ra những tác động tiêu cực cho ngành dăm gỗ, gây giảm giá xuất khẩu và co hẹp thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại Trung Quốc.

Tác giả bài viết: Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP