Ví dụ xe Mercedes có thể được sản xuất ở Tuscaloosa (bang Alabama, Mỹ) tùy vào từng mẫu xe. BMW có một nhà máy ở South Carolina và xuất khẩu 70% xe xuất xưởng từ đây. Và người Đức có thể không mua nhiều xe Chevrolet, thương hiệu đã không còn bán ra tại Đức, nhưng lại mua nhiều xe Opel, cũng giống Chevrolet, đều thuộc sở hữu của hãng mẹ General Motors.
Mới đây, ông Trump cũng cảnh báo một hãng xe hơi khác về việc di dời sản xuất ra khỏi nước Mỹ do nhân công đắt đỏ. Vị tổng thống mới đắc cử của Mỹ dọa áp mức thuế cao liên quan đến kế hoạch xây dựng nhà máy của Toyota tại Mexico khiến giá cổ phiếu hãng này sụt giảm.
Những mục tiêu mới nhất của ông Trump được đưa ra vào ngày 15/1, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Đức Bild. Sau khi ca ngợi năng lực của người Đức, người sắp nắm quyền điều hành nước Mỹ dọa áp mức thuế 35% lên mọi chiếc xe BMW nhập vào Mỹ. BMW nên xây nhà máy ở Mỹ, ông Trump nói, nơi họ có thể được hưởng lợi từ những kế hoạch của ông về việc giảm thuế doanh nghiệp.
Xuất khẩu ôtô là yếu tố quyết định thành công của nền kinh tế Đức, và Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhất. Những rào cản thương mại mới có thể đe dọa nghiêm trọng sự tăng trưởng của Đức và có thể gây trở ngại tới mối quan hệ với một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ.
"Chúng tôi xem xét nghiêm túc những bình luận của ông ấy", Matthias Wissmann, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ôtô Đức, phát biểu trong một thông cáo. Còn trên mạng xã hội Twitter, Trump bày tỏ sự trông đợi đối với ngành công nghiệp ôtô: "Các hãng xe và những hãng khác nữa, nếu họ muốn làm ăn ở đất nước này, thì phải bắt đầu với việc làm ra mọi thứ tại đây. Chiến thắng!".
Vấn đề chính nằm ở việc ông Trump và các cố vấn thương mại sẽ quyết định ra sao một khi bắt đầu nhiệm kỳ, các quan chức của ngành công nghiệp ôtô và các chuyên gia kinh tế phát biểu. Các biện pháp nhằm buộc các hãng sản xuất phải chuyển về lắp ráp tại Mỹ và sử dụng nhiều hơn nữa linh phụ kiện của Mỹ có thể khiến giá xe tại Mỹ tăng và xe Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Các hãng xe Đức hy vọng, một khi ông Trump vào Nhà Trắng, họ sẽ thuyết phục rằng mức thuế đánh vào xe nhập có thể gây tổn thương nền kinh tế Mỹ.
Nhưng về phương diện nào đó, vị tổng thống mới đắc cử có lý do. Nước Mỹ cởi mở với việc nhập khẩu hơn những thị trường xe hơi lớn khác, với kết quả rằng ôtô từ những nơi khác vượt biển tới Mỹ chiếm thị phần lớn tại quốc gia này so với bất cứ nơi nào khác.
Các chính phủ ở châu Âu hạn chế nhập khẩu bằng việc ép các hãng ôtô không được đóng cửa các xưởng sản xuất chi phí đắt đỏ hoặc sa thải công nhân. Trung Quốc lại yêu cầu các hãng nước ngoài hợp tác, liên doanh với các công ty địa phương và đôi khi, buộc phải chuyển giao công nghệ cho các hãng Trung Quốc.
Nhưng việc điều chỉnh các biện pháp ứng phó đối với ngành công nghiệp ôtô nhằm tạo ra công ăn việc làm tại Mỹ có thể rất khó khăn. Ví dụ, nhà máy ở Mexico của BMW có thể sản xuất serie 3, dòng xe hiện chỉ xuất xưởng từ Đức và Trung Quốc. Chính nhà máy ở Mexico cũng có thể lấy đi việc làm từ các nhà xưởng ở Đức và Trung Quốc, đồng thời tạo ra nhu cầu về linh phụ kiện nhập khẩu từ Mỹ.
Nhà máy của BMW đặt tại San Luis Potosi, Mexico, đang được xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động vào 2019. Rất ít cơ hội để hãng Đức thay đổi kế hoạch và đưa dây chuyền sản xuất sang Mỹ.
Nhà máy lớn nhất của BMW trên thế giới nằm tại Spartanburg, South Carolina, sử dụng gần 9.000 nhân công và xuất khẩu 70% sản phẩm xuất xưởng từ đây. Hãng mẹ Daimler sản xuất xe SUV và C-class mang thương hiệu Mercedes ở Tuscaloosa, Alabama, và hãng này đang xây nhà máy mới ở Charleston, cũng thuộc South Carolina, để sản xuất xe van Sprinter, tạo ra hơn 1.000 việc làm.
Daimler, còn sản xuất dòng xe tải Freighliner tại Mỹ, có 22 nhà máy và trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Mỹ với khoảng 22.000 nhân công.
Một tập đoàn khác đến từ Đức là Volkswagen cũng không từ bỏ Mỹ mặc cho bê bối khí thải khiến hãng mất tới 20 tỉ USD tiền phạt. Cũng đã có thời gian sản xuất ở Mexico, Volkswagen vẫn đang mở rộng quy mô tại Mỹ với nhà máy ở Chattanooga, Tennessee, nơi cho ra đời một dòng SUV cỡ lớn mới.
Trong khi đó, GM và Ford, lại nhận ra những lợi thế tại những quốc gia như Trung Quốc, nơi nền kinh thế phát triển nhanh đồng nghĩa với ngày càng nhiều người có khả năng mua xe hơi.
Lập trường cứng rắn đối với ngành công nghiệp ôtô của ông Trump có thể không tạo ra cùng hiệu ứng như thời cố tổng thống Reagan. Kể từ những năm 1980, các hãng xe ngày càng ít tự sản xuất linh phụ kiện, thay vào đó là mua lại từ hàng trăm nhà cung cấp trên khắp thế giới. Có nghĩa rằng một chiếc xe Mỹ lắp ráp tại Mỹ có thể bao gồm một loạt phân đoạn được sản xuất ở nước ngoài.
Các hãng xe Trung Quốc thống trị thị trường linh phụ kiện thay thế tại Mỹ, thường xuyên giảm giá, tới một nửa hoặc hơn thế. Mức thuế phí đánh lên hàng hóa Trung Quốc có thể hạn chế người Mỹ đưa xe đi sửa chữa, thay đồ.
"Người tiêu dùng Mỹ đang chi trả với mức giá tốt", nhờ các nhà cung cấp Trung Quốc, Yale Zhang, giám đốc Automotive Foresight, một hãng tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét.
Những nhà máy lắp ráp của các hãng xe trên toàn cầu đã phải chuyển từ việc đặt hàng từ các nhà máy ở khu vực trung tây của Mỹ sang Trung Quốc trong vài năm qua. Nhưng xu hướng này có thể dừng lại, hoặc đi ngược lại nếu ông Trump áp mức thuế cao lên hàng nhập, theo Zhang.
Với bất cứ động thái nào mà ông Trump đưa ra, đều chứa đựng những nguy cơ tiềm tàng. Các lựa chọn gồm cả mức thuế đánh vào xe nhập và kể cả linh phụ kiện ôtô nhập. Tổng thống Mỹ tương lai thậm chí có thể cho viết lại cả bộ luật thuế theo đó hàng nhập đều bị đánh thuế.
Tác giả bài viết: Mỹ Anh
Nguồn tin: