Trong tỉnh

Trám đen Thanh Chương được chế biến theo công nghệ mới, có mặt ở siêu thị

Đặc sản trám đen nổi tiếng của Thanh Chương lâu nay chỉ được chế biến bằng cách om truyền thống, ăn theo mùa, không bảo quản được lâu thì nay đã được chế biến bằng công nghệ mới, đóng lọ hiện đại.

Đây là thành quả mới nhất của dự án “Ứng dụng khoa học -công nghệ xây dựng mô hình bảo quản chế biến quả trám đen Thanh Chương” do huyện Thanh Chương đề xuất, được UBND tỉnh đồng ý, giao cho một công ty phát triển nông nghiệp chủ trì thực hiện.

Quả trám đen lâu nay chỉ được chế biến bằng phương pháp truyền thống là om, rất khó bảo quản, không đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thì hiện nay được chế biến bằng công nghệ mới.

Quả trám sau khi om được cho vào lọ thủy tinh, rót nước muối hoặc nước mắm ở nhiệt độ 100 độ C và đóng nắp kín tuyệt đối. Sau đó được thanh trùng, sốc nhiệt.

Các quy trình kỹ thuật chế biến và bảo quản được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương nghiên cứu và chuyển giao.

Trám đen là món ăn dân dã, được coi là đặc sản của Thanh Chương (Nghệ An). Ảnh: Đình Thọ

“Trước đây, người dân thường muối trám mặn như muối dưa, cà, làm trám muối mất đi hương vị đặc trưng. Mặt khác người dân thường muối trong các lọ nhựa, sành không kín nắp, nên vi sinh vật xâm nhập, lên men, lên mốc xanh, ảnh hưởng tới cho sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi đã áp dụng công nghệ mới, quả trám sẽ bảo quản được lâu hơn trong nhiệt độ thường. Hạn sử dụng của sản phẩm là 1 năm từ ngày sản xuất, đã trở thành hàng hóa và được người tiêu dùng ưa chuộng” - Thạc sỹ Nguyễn Hữu Hiếu, chủ nhiệm dự án cho biết.

Hiện nay, sản phẩm trám đen được đóng lọ với trọng lượng 800g, 1.280g, dán nhãn và đã được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm; được các cơ quan chức năng kiểm định, chứng nhận chất lượng, sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu trên toàn quốc.

Quả trám sau khi om cho vào lọ thủy tinh, rót nước muối hoặc nước mắm ở nhiệt độ 100 độ C, đóng nắp kín; quả trám sẽ bảo quản được lâu hơn trong nhiệt độ thường. Ảnh: Đình Thọ

Mặc dù sản phẩm mới bắt đầu phân phối ra thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã liên hệ để hợp tác phân phối độc quyền ở các địa phương này.

Dự án thực hiện khép kín thành chuỗi từ tuyển chọn, nhân giống, trồng đến chế biến và bảo quản đã mở ra hướng đi mới cho cây trám trên địa bàn. Quả trám đang và sẽ có thị trường ổn định, tạo động lực cho người dân yên tâm phát triển.

Ông Giản Tư Thuần - một người dân trồng trám ở xã Cát Văn chia sẻ: “Trám từ lâu đã có giá trị kinh tế cao, nay được chế biến bảo quản, đầu ra ổn định, chúng tôi cũng yên tâm đầu tư mở rộng diện tích cây trám”.

Trong thời gian tới, những quả trám đen Thanh Chương sẽ có mặt tại các siêu thị ở trong Nam, ngoài Bắc, tham gia các hội chợ hàng Việt Nam.

Đây là một bước tiến mới của huyện Thanh Chương trong việc đưa quả trám đặc sản trở thành hàng hóa, tạo đầu ra ổn định, lâu dài cho người dân.

Tác giả: Đình Thọ

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP