Hơn 5 năm nay, ông Phạm Văn Bé (ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa, Long An) triển khai mô hình nuôi ruồi lính đen. Trước đó, ông từng làm thầy giáo hơn 20 năm, sau đó chuyển sang nuôi bồ câu, rắn mối. |
Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, là một loại ruồi được nhiều nước trên thế giới nuôi. Ấu trùng của chúng là thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản. Loài này còn sử dụng để xử lý chất thải trong nông nghiệp, làng nghề. "Từ việc chăn nuôi bồ câu trước đó, tôi thấy gia cầm khi ăn ấu trùng lớn nhanh. Tôi mày mò tìm ra loài ruồi lính đen, thấy không hại cho môi trường lại sinh trưởng tốt nên nuôi thử nghiệm. Thời gian đầu nhiều khó khăn vì loài này khá khó tìm trong tự nhiên" người đàn ông 50 tuổi chia sẻ. |
Trang trại có quy mô hơn 500 m2 với 32 chuồng nuôi, được ông Bé đầu tư hơn 100 triệu đồng thi công. Trên trần trại lắp nhiều quạt nhằm thông gió, cân bằng nhiệt độ với môi trường bên ngoài. |
Chuồng nuôi được thiết kế bằng vải mùng, có diện tích từ 10 đến 30 m2 và luôn khép kín để chúng khỏi bay ra ngoài. Mỗi chuồng ông thả khoảng 100.000 con ruồi. |
Trong chuồng được đặt những thanh gỗ mỏng buộc với nhau bằng dây thun cho chúng đẻ trứng. "Loài này hay đẻ trong khe hở nên làm vậy để giống tập quán tự nhiên. Ngoài ra, mỗi chuồng phải có xô để thực phẩm rữa nhằm kích thích ruồi bu lại sinh sản", ông Bé chia sẻ. |
Mỗi con ruồi lính đen đẻ 500-700 trứng, chỉ cần dùng dao gạt nhẹ cho trứng rơi xuống khay. |
"Khi lấy trứng, mình phải rất nhẹ tay nhằm tránh làm vỡ. Cách vài ngày thì trại thu được khoảng hai cân trứng và bán với giá 20 triệu đồng mỗi kg, anh Phát (nhân viên) cho biết. |
Một khu khác của trại được xây thành các ô gạch nhỏ để ấp trứng. Mỗi ô là một vòng đời từ trứng thành ấu trùng rồi sang nhộng và lột xác thành ruồi trong 20 ngày. |
Thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen chủ yếu là rau củ quả đã hư hỏng. "Thực phẩm thường xin ở chợ, loài này khá phàm ăn, suốt vòng đời, một kg ấu trùng sẽ tiêu thụ hết 5 cân củ quả", ông Bé nói. |
Nhộng của ruồi lính đen là sản phẩm được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản... rất có giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra xác ruồi cũng được tận dụng làm phân bón |
Mỗi tháng trại ông thu được khoảng hai tấn nhộng, tuy nhiên chỉ bán ra thị trường một lượng nhỏ còn giữ lại để làm giống. Trại chủ yếu bán trứng cho các cơ sở chăn nuôi để họ tự tạo nhộng ruồi lính đen. Ông Bé cho biết, sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng trại thu được hơn 100 triệu đồng từ bán trứng ruồi. |
Tác giả: Quỳnh Trần
Nguồn tin: Báo VnExpress