Thương gia chuyên kinh doanh đồng hồ và đồ trang sức mê mẩn LaFerrari Aperta, phiên bản mui trần của siêu xe V12. Giá bán là 2,2 triệu USD, chỉ 200 xe được sản xuất.
Lee chắc mẩm mình có cơ hội lớn để tậu một chiếc. Dù sao ông đã có cả một garage chất đầy Ferrari, nhiều chiếc thậm chí mua trực tiếp từ nhà máy, là một phần của bộ sưu tập xe 50 triệu USD được đầu tư qua nhiều năm.
Lee có mối quan hệ thân thiết với một đại lý Ferrari lớn ở địa phương. Ông từng tới thăm nhà máy Ferrari và dự khóa huấn luyện của Ferrari ở Italy. Lee mua và phục chế Ferrari cổ và từng mang tới trưng bày ở triển lãm xe sang Pebble Beach cũng như ở các sự kiện đặc biệt khác.
Gần đây, Lee đặt mua tới 4 chiếc Ferrari mới tinh với hy vọng có tên trong danh sách bí mật và đặc biệt của những nhà sưu tập xe được mua một trong số những chiếc LaFerrari Aperta hiếm hoi.
Nhưng Lee bị Ferrari từ chối.
Không nản lòng, nhà sưu tập kiên trì theo đuổi mục tiêu. Chiến dịch của Lee để trở thành một khách hàng được Ferrari ưu ái phần nào giúp vén bức màn về thế giới bí mật của những mẫu xe thể thao hạng sang hàng đầu - nơi tiền không phải là tất cả.
Không tham ôm cả phân khúc SUV giống Lamborghini hay Bentley, cũng không bán những mẫu thể thao thấp cấp như Aston Martin hay Maserati, Ferrari có thể được coi như hãng siêu xe đặc biệt nhất, sở hữu nghệ thuật tạo ra sự đặc biệt. Và dù có logo in trên áo phông hay những thứ kém đặc biệt, thì hãng xe Italy vẫn duy trì ranh giới của những sản phẩm tinh túy nhất ra đời từ Maranello.
Không phải tất cả xe Ferrari đều đáng giá cả gia tài, nhưng thậm chí các mẫu xe bình thường, không phải bản giới hạn thì cũng không hề rẻ. Giá thấp nhất trong dòng sản phẩm hiện tại là California T, khoảng 210.000 USD.
Thỉnh thoảng Ferrari tung ra các phiên bản đặc biệt, giá cao hơn, số lượng giới hạn với 2 mục đích chính: đền đáp những khách hàng ưu tú đồng thời lôi kéo khách hàng mới.
Năm 2016, hãng chỉ giao 8.014 xe trên khắp thế giới, nhưng doanh thu thuần được cho là tới 3,4 tỷ USD từ việc bán xe, phụ kiện và những nguồn thu khác. Vì thế, Ferrari có quyền "kén cá chọn canh", độc quyền quyết định ai là người được mua những chiếc xe tốt nhất của mình.
Thậm chí khi bán một mẫu xe số lượng giới hạn cho một khách hàng được "chọn mặt gửi vàng", hãng xe Italy còn gây áp lực: 400 người may mắn được mua một chiếc LaFerrari bản mui cứng - trong đó có những người nổi tiếng như đầu bếp Gordon Ramsay, rocker Sammy Hagar và tay đua Felipe Massa - được yêu cầu hứa không bán lại xe của họ trong ít nhất 18 tháng, đảm bảo chỉ những nhà sưu tập tâm huyết nhất mới sở hữu những sản phẩm đặc biệt.
"Nếu bạn không phải là người đang hoặc từng sở hữu một chiếc Ferrari, bạn không có cơ hội nào hết", David Christian, nhà sưu tập dành hàng thập kỷ để chạy đua và giành mua những chiếc xe Italy đỉnh cao, chia sẻ. "Tôi không quan tâm bạn có bao nhiêu tiền".
Lee không biết chính xác tại sao bị gạt khỏi danh sách đặt mua một chiếc Aperta, còn Ferrari từ chối bình luận, trừ việc nói rằng Lee là một khách hàng được trọng vọng.
Nhưng những người quan sát lâu năm trong làng xe thể thao đỉnh cao cho rằng chính phong cách phô trương của Lee, dù phục vụ cho mục đích quảng bá thương hiệu, lại khiến Ferrari ngại ngần.
"Hãng không thích hoạt động quảng cáo của ông ấy", một nguồn tin thân cận của Ferrari cho biết. "Họ ghét mọi sự ồn ào, còn ông ấy thích khoa trương".
Nhà sưu tập kiêm thành viên ban giám đốc Bảo tàng ôtô Petersen, Bruce Meyer, bày tỏ sự ủng hộ với nỗ lực kiểm soát số phận của chính mình theo cách Ferrari đang làm.
"Họ cố gắng bán xe cho đúng người, và làm rất tốt việc duy trì một thương hiệu đặc biệt". Meyer sở hữu nhiều mẫu xe đắt giá tại dinh cơ ở Beverly Hills, Mỹ.
Chính chiến dịch quảng bá gần đây của Lee được cho là đã phản pháo lại chính ông.
Đầu tiên là tài khoản trên Instagram - @ferraricollector_davidlee - ở đó gần như Lee đăng bài mỗi ngày về xe cộ, đồng hồ, rượu vang và những chuyến du lịch với hơn 715.000 người theo dõi. Trong một bài viết gần đây, Lee nhắc tới MC truyền hình nổi tiếng Jay Leno, một fan khủng của xe cộ, là "anh bạn 24/7 của tôi". Một bài viết khác có ảnh Lee chụp bên siêu xe Ferrari F12 TdF DSKL màu vàng nổi bật đồng thời khoe việc gọi đồ ăn uống cỡ lớn.
Lee còn tổ chức sự kiện diễn ra hàng tháng có tên "Cars and Chronos" tại cửa hàng của mình và thu hút đều đặn hàng trăm mẫu xe đặc biệt tới tham gia.
Thương gia này thẳng thừng từ chối lời đề nghị từ các cố vấn về việc giảm cường độ gây chú ý trên mạng xã hội.
"Tình yêu của tôi với thương hiệu cũng như niềm vui tôi nhận được từ việc chia sẻ bộ sưu tập đặc biệt với mọi người không là gì cả, nhưng lại là điều tốt đẹp đối với tương lai của thương hiệu", Lee phát biểu. "Nếu Ferrari nghĩ đó là hành động quảng bá hình ảnh bản thân thì tôi không giúp được gì".
Bày tỏ niềm tự hào đầy mãnh liệt, chân thành và có phần trẻ con về bộ sưu tập của mình, Lee chìm đắm trong sự phấn khích khi ông hộ tống một vị khách tham quan đi quanh trong garage ngầm chứa những chiếc xe đáng giá.
Một chiếc nằm phía cuối garage là mẫu hiếm 250 Lusso Competizione đời 1964, một trong 4 chiếc còn tồn tại được biết đến, và được ông định giá 5 triệu USD. Một chiếc khác là Ferrari F1 - mẫu xe đua từng do Michael Schumacher lái, tác phẩm mà Lee cho rằng đáng giá 3 triệu USD. Một hàng khác gồm 5 chiếc Ferrari, đều màu đỏ, ông chủ bộ sưu tập nêu con số hơn 15 triệu USD. Tất cả đều cao hơn so với khi mua - điển hình của những đầu tư vào Ferrari.
Chính người bố quá cố, Hing Wa Lee, đã thành lập nên doanh nghiệp đồ trang sức của gia đình, khởi nghiệp là một thợ mài dũa đá quý ở Hong Kong rồi sang Mỹ định cư vào những năm 1970.
Nhưng David Lee mới là người gây dựng lên đế chế, tạo ra chuỗi cửa hàng bán lẻ đồng hồ và đồ trang sức, nơi những khách hàng nhà giàu Đài Loan và Trung Quốc tới lui chọn lựa giữa những quầy trưng bày lấp lánh những Rolex, Cartier, Piaget, Breitling và Tag Heuer. Forbes mới đây ước tính giá trị doanh nghiệp địa ốc và đá quý của gia đình nhà Lee là 300 triệu USD.
Dù Lee cũng sở hữu một chiếc Porsche Speedster cổ, hai chiếc Roll-Royce và siêu xe triệu đô Pagani Huayra, những chiếc Ferrari mới là thứ được ông ưu ái nhất, và chiến dịch để trở thành một "người Ferrari" sớm bắt đầu.
"Tôi quyết định trở thành anh chàng lái Ferrari, 7 ngày mỗi tuần", Lee, từng tốt nghiệp Đại học Southern California, sau đó kết hôn và trở thành bố của 2 đứa con, năm nay 50 tuổi, phát biểu.
Khi mới đến với thương hiệu xe Italy, Lee từng ngạc nhiên khi biết có tiền thôi chưa đủ để mua những chiếc Ferrari mình khao khát.
Được người khác bảo rằng cần có một mối quan hệ mật thiết hơn với hãng, Lee nói, ông rất thân với chủ đại lý xe sang Giacomo Mattioli ở Beverly Hills, một người gốc Italy từng là cựu nhân viên Ferrari và cũng chính là chồng cũ của cháu gái người sáng lập hãng, Enzo Ferrari.
Lee bắt đầu tìm hiểu cách gia nhập câu lạc bộ - một danh sách bấp bênh, được xách định một cách lỏng lẻo, không định hình rõ ràng về những khách hàng ưu tiên của hãng. Dưới sự chỉ dẫn từ Mattioli, người từ chối bình luận, Lee bắt đầu đầu tư.
Ông mua một chiếc 275 GTS đời 1965, rồi Enzzo đời 2003. Lee tậu thêm một chiếc 458 Speciale và một chiếc 488 Spyder mới tinh. Vài chiếc thực sự không hề hấp dẫn với Lee.
"Để mua một chiếc bản giới hạn, bạn phải mua vài chiếc khác mà mình không muốn. Tôi không muốn phải đấu đá. Nhưng không còn cách nào khác để xếp vào hàng".
Lee đã chi 25.000 USD để tham gia câu lạc bộ lái xe Ferrari. 12.000 USD chỉ để cho 2 ngày tại trường học lái Ferrari, thương gia này cho biết, và đầu tư mạnh tay vào chương trình đua xe chuyên nghiệp của hãng.
Rồi Lee mang những chiếc xe của mình tới Pebble Beach, Concorso Italiano diễn ra hàng năm cũng như đưa vài chiếc thuộc bộ sưu tập siêu xe tới sự kiện San Marino Motor Classic diễn ra tháng 6 vừa qua.
Và Lee đấu tranh để có một chiếc LaFerrari bản giới hạn sau khi hãng không muốn trực tiếp bán cho ông.
Bị bật khỏi danh sách của mẫu mui trần 2,2 triệu USD, Lee nhờ mối tìm một chiếc đã qua sử dụng - và tìm cách phá vỡ luật cấm bán lại xe trong vòng 18 tháng của Ferrari.
Một chủ xe trong danh sách được mua những chiếc LaFerrari đầu tiên ở Bắc Mỹ nhưng đang gặp rắc rối do ly hôn. Không muốn chiếc xe lọt vào danh sách phân chia tài sản, Lee cho biết, người kia đồng ý chuyển quyền cho Lee nhưng lại trì hoãn giao giấy tờ vì thế, về mặt cơ bản, cả hai đã không trung thành với các nguyên tắc của Ferrari.
Lee thừa nhận đã trả "nhiều, nhiều hơn" 2,2 triệu USD, nhưng cũng nhấn mạnh rằng vẫn ít hơn so với giá trị hiện thời của chiếc xe.
"Giá thị trường đang là 4 triệu USD. Khoản đầu tư của tôi rất đúng đắn", Lee phát biểu. Người đàn ông này ước tính con số sẽ tăng thành hơn 5 triệu USD sau 6 tháng.
Nhưng Lee lại nhận được sự phẫn nộ từ hãng, khi người của Ferrari nhận ra ông đang lái chiếc LaFerrari tại Pebble Beach. Hãng xe Italy bắt Lee thỏa thuận không bán lại trong ít nhất 18 tháng.
Lee không hề nản lòng trước những lời quở trách. Có thể cuối cùng vị khách hàng cũng bắt đầu phản pháo.
Lee từng là người nhận chiếc 488 mui trần đầu tiên tới Bắc Mỹ và là người đầu tiên trong danh sách đặt hàng các mẫu giới hạn của dòng F12, với tổng cộng 500 xe được sản xuất. Ông có thể là người đầu tiên đặt chiếc 812 Superfast.
Nhưng khi chiếc LaFerrari Aperta đầu tiên được giao vào mùa xuân vừa qua, Lee không nhận được chiếc nào.
Tủi hổ? Câm lặng? Không hoàn toàn.
"Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ trải nghiệm như một chủ xe với mọi người và lái chúng bất cứ khi nào có thể", Lee phát biểu. "Tôi không thấy điều gì tệ hơn việc các nhà sưu tập giấu giếm xe trong garage và chẳng bao giờ lái ra đường. Đó mới là sự xấu hổ thực sự".
Tác giả bài viết: Mỹ Anh
Nguồn tin: