Kinh tế

Thủ tướng: Quy mô kinh tế Việt Nam có thể đứng thứ 2 ASEAN nếu quyết tâm

Người đứng đầu Chính phủ cho biết kinh tế Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên thế giới. Năm nay, phấn đấu tăng trưởng 6-6,5%, năm tới có thể là 7% nhưng sắp tới phải đạt mức tăng bình quân 8-9%.

Giới thiệu chuyên đề về Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025) trong ngày làm việc thứ hai (28/3) Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều thành tựu của kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, quy mô nền kinh tế Việt Nam trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới. Như vậy Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên thế giới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên thế giới (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Giai đoạn 2011-2021, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5,95%. Không chỉ quan tâm phát triển đô thị, nơi tập trung người giàu, người khá giả, nhà đầu tư mà 5 năm qua còn phát triển cả vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đạt được nhiều thành tựu, nhưng theo người đứng đầu Chính phủ, nền kinh tế còn nhiều tiềm ẩn rủi ro, độ mở lớn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Thủ tướng đặt vấn đề Việt Nam có thể đứng thứ nhì ASEAN hay không về quy mô nền kinh tế và cho hay "khả năng này có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm".

Ông nói thêm, khát vọng phát triển đất nước phải đến từng người dân, cơ sở thì mới thành công, không phấn đấu các mục tiêu trên thì đất nước lạc hậu.

"Chúng ta cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, mặc dù hội nhập sâu rộng nhưng chúng ta không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Coi trọng thị trường trong nước, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025) xác định 11 chỉ tiêu, trong đó có 7 chỉ tiêu kinh tế, 4 chỉ tiêu môi trường. Theo Thủ tướng, áp lực đối với Việt Nam là phải liên tục tăng trưởng cao. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có 2-3 thập niên liền liên tục tăng trưởng cao và Việt Nam cũng hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao. Nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì chúng ta sẽ tụt hậu, phát triển không bền vững, thu nhập thấp, lạc hậu.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết và năm nay phấn đấu tăng 6-6,5%, sang năm có thể là 7%, nhưng sắp tới phải đạt mức tăng GDP 8-9% bình quân/năm. "Con số này đòi hỏi chúng ta phấn đấu và quyết tâm mạnh mẽ", ông nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp Nhà nước, xử lý cơ bản các yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, chống tham nhũng, "sân trước sân sau" trong doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng ta phấn đấu có càng nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh. Mục tiêu là đến năm 2030, Việt Nam có những tập đoàn hàng đầu khu vực. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại buổi "Đối thoại 2045" tổ chức cách đây không lâu đồng thời đề cập đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc rất lớn của giới doanh nghiệp, trí thức.

"Chúng ta không thành kiến mà tạo điều kiện bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân phát triển", Thủ tướng nói. Đặc biệt, Việt Nam cần phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân vươn ra toàn cầu và có thương hiệu lớn. Những gì Nhà nước không cần làm thì để xã hội làm, Nhà nước không "ôm đồm" tất cả.

Tác giả: Kiều Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP