Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội luôn được cho là căng thẳng, gây áp lực với học sinh. |
Học sinh sẽ phải học…thật
Cô Thu Hương, một giáo viên dạy sinh của một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 trong năm tới là 4 môn thay vì hai môn Văn và Toán như năm ngoái đúng là cũng gây áp lực hơn với học sinh.
Theo cô Hương, vì năm đầu tiên các con chuyển đổi hình thức, các học sinh sẽ không quen với cách thi này. Mọi năm các học sinh chỉ ôn văn toán, các con chỉ tập trung 2 môn nên kết quả tốt.
Năm nay, các còn phải chia thời gian ôn thêm tiếng Anh. Đến 3 tháng cuối mới biết môn thi thứ 4 và phải dành thời gian ôn thêm môn này.
Còn cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, việc thi 4 môn như thế này khiến học sinh phải học đều các môn, nhất là môn Tiếng Anh chứ không chỉ học hai môn Toán, Văn như trước.
Cũng theo cô Dung, kì thi sẽ không quá áp lực mà đạt được mua tiêu tránh học lệch của học sinh nếu đúng sẽ như thông tin mà Sở GD&ĐT thông tin, môn thứ 4 thi hình thức trắc nghiệm, 50% nhận biết, 40% thông hiểu và chỉ 10% câu rơi vào dạng vận dụng cấp thấp.
Cô Dung cho rằng, nếu chỉ ôn thi một môn từ tháng 3 đến tháng 6, học sinh khó có đủ kiến thức để thi tốt nếu có những câu hỏi khó. Vì thế, học sinh cần học đều, học cẩn thận ngay từ đầu năm học.
Thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy Toán của trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thầy ủng hộ phương án này.
Theo thầy Cường, phương án thi 4 môn sẽ có gây áp lực cho học sinh nhưng đó là kiểu áp lực khác những năm trước là bắt học sinh học đều các môn và học thực chất để đi thi.
“Bao năm nay, học sinh chỉ thi hai môn Ngữ Văn và Toán nên bỏ qua hết. Việc thi thêm môn Tiếng Anh cũng như một môn nào khác là cần thiết”
Và những băn khoăn
Thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy Toán của trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, quan trọng nhất là cần biết đề thi minh họa như thế nào thì giáo viên cũng như học sinh mới đánh giá được mức độ khó, dễ của đề thi.
Tuy nhiên, cũng theo thầy Cường, nếu đúng như Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, đề thi năm tới vào lớp 10 chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết và thông hiểu thì không có gì phải lo lắng cả.
Cô Đỗ Thị Dung, trường giáo viên trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, cô hy vọng số lượng môn thi tăng, Sở sẽ giảm độ khó ở các môn để giảm bớt áp lực cho thí sinh. Dù vậy, trước mắt, các em vẫn nên tập trung học tốt 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, đồng thời học đều, học chắc chắn.
Cô Dung cho rằng, nếu học sinh học nghiêm túc, học xong phần nào chắc phần đó, lại được giáo viên các bộ môn cho làm quen với đề thi trắc nghiệm thì đến tháng 3 mới công bố môn thi thứ 4 thì việc thi cử không quá khó khăn.
Tuy nhiên, cô Dung băn khoăn, không hiểu sao vài năm qua Sở GD&ĐT không cộng điểm với học sinh thi học sinh giỏi các cấp: “Năm ngoái, chúng tôi tìm học sinh giỏi mỏi mắt cũng không được, nhiều đội tuyển các môn khoa học còn thiếu người đi thi vì học sinh không cộng điểm thì sẽ không mặn mà đi thi. Đến học nghề mọi năm còn cộng 1 điểm, mà đi thi học sinh giỏi phải ôn luyện vài ba tháng lại không cộng điểm nào, thì làm sao học sinh có hứng”.
Ngoài ra, cũng theo cô Dung, việc không tính điểm học bạ THCS trong năm tới đây sẽ “làm khó” với giáo viên chủ nhiệm khi học sinh không cần rèn luyện đến hạnh kiểm.
“Tuy nhiên, mặt được của phương án thi như thế này sẽ khiến các em phải học đều, học thật và phụ thuộc hết vào bài thi chứ không phụ thuộc vào kết quả THCS thì sẽ không còn bất cập, bất công khi trường này chấm chặt, trường kia chấm lỏng, người này mua điểm, người kia mua điểm để làm đẹp học bạ nữa”- cô Dung cho hay.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội từ lâu đè nặng lên học sinh, phụ huynh.Vì thế, không nhất thiết phải gây thêm áp lực cho học sinh nữa. Việc học lệch, học tủ các trường THCS phải có giải pháp bằng các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của các địa phương hiện nay đa số đều thực hiện thi tuyển 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. |
Tác giả: Đỗ Hợp
Nguồn tin: Báo Tiền Phong