Thế giới

Thấy gì sau 2 năm bành trướng của IS?

Ai cũng hô rất to “chống khủng bố”, nhưng thực tế cho thấy việc quốc tế hóa cuộc nội chiến ở Syria đến mức như hiện nay thì kẻ trục lợi nhiều nhất chính là IS.

Ngày 27-6 vừa qua, Chính phủ Iraq tuyên bố đã chiếm lại được thành phố Fallujah từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là một thắng lợi quan trọng của cuộc chiến chống tổ chức khủng bố khét tiếng nhất mới khai sinh cách nay tròn hai năm.

Chính xác là ngày 29-6-2014, giáo sĩ Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện lần đầu tiên trên Internet tại Mosul để tuyên bố sự ra đời của “nhà nước Hồi giáo”, khiến cả thế giới 
ngỡ ngàng.

Nhưng IS không từ trên trời rơi xuống. Tiền thân của IS là al-Qaeda do Osama Bin Laden (đã bị Mỹ tiêu diệt tháng 5-2011) làm thủ lĩnh. Cuộc tấn công do tổng thống Mỹ George W. Bush phát động lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq hồi tháng 4-2003 làm phát sinh cuộc kháng chiến của người Iraq chống lại ách chiếm đóng Mỹ và chính quyền Iraq do Mỹ dựng lên.

Trong môi trường kháng chiến sục sôi ấy, nhất là tại các tỉnh truyền thống của người Hồi giáo dòng Sunni, lực lượng al-Qaeda đã từ Afghanistan kéo về và trở thành một trong những lực lượng đánh Mỹ quyết liệt nhất. Fallujah đã trở thành căn cứ chính của al-Qaeda Iraq khi ấy, do Abu Musab Zarqawi chỉ huy.

Vậy là ông Bush đã “kéo” al-Qaeda - tiền thân của IS - đến Iraq. Năm 2008, quân đội Mỹ xóa sổ được al-Qaeda Iraq sau khi tiêu diệt được Zarqawi từ năm 2006.

Nhưng cuối năm ấy, ông Bush mãn nhiệm, ông Barack Obama trở thành tổng thống và thực thi quyết định rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Iraq, trong đường lối chấm dứt sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông.

Mỹ rút đi, để lại khoảng trống quyền lực mênh mông tại Iraq, trở thành môi trường cho những tranh chấp chính trị - sắc tộc - tôn giáo vốn âm ỉ được thể bùng lên.

Thậm chí đến đầu năm 2014, lực lượng “nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Sham” (ISIS) của al-Baghdadi đánh đuổi các nhóm vũ trang đối lập khác để độc chiếm quyền kiểm soát thành phố Reqqa (miền bắc Syria), tuyên bố đó là “thủ đô” của ISIS.

Chính quyền Mỹ vẫn không hề có động thái nào lưu tâm đến bước phát triển về mặt lãnh thổ của tổ chức khủng bố này.

Chỉ khi toàn thế giới bàng hoàng chứng kiến những video clip do chính al-Baghdadi tung lên Internet công khai quảng bá cho những hành động man rợ đến mức quái đản tại những nơi chúng chiếm được ở Iraq hồi tháng 7-2014 thì Tổng thống Obama mới miễn cưỡng “trở lại Iraq” với việc tuyên bố cuộc chiến thế giới chống khủng bố vào tháng 8-2014.

Lúc này IS đã có lãnh thổ rộng lớn nối liền từ miền bắc Syria sang miền bắc và miền tây Iraq!

Ngày 17-6 vừa qua, một thỉnh nguyện thư có chữ ký của 51 quan chức ngoại giao Mỹ, gồm những người đã và đang làm việc liên quan đến vấn đề Syria, được gửi đến Tổng thống Obama đề nghị dùng quân sự để lật đổ chính quyền al-Assad, chấm dứt ngay cuộc nội chiến tương tàn ở Syria, xóa bỏ môi trường của cực đoan, khủng bố, giết chóc, tàn phá và làn sóng tị nạn.

Đây được coi là một động thái hi hữu trong ngành ngoại giao Mỹ.

Không thể bác bỏ hoàn toàn đề xuất của các chuyên gia, nhưng ông Obama vẫn nhắc lại đường lối nhất quán không dính líu quân sự quy mô lớn vào Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Tổng thống Mỹ biện luận rằng không thể lặp lại sai lầm tại Libya - nơi Mỹ đã ủng hộ NATO tiến hành không kích giúp lật đổ nhà lãnh đạo Muamar Gaddafi hồi cuối năm 2011, mà ông Obama cho rằng từ đấy đã tạo ra tình trạng hỗn loạn tại Libya hiện nay.

Những người chủ trương phải can thiệp quân sự vào Syria cho rằng nếu can thiệp sớm đã không có môi trường cho IS xuất hiện để trở thành một hiểm họa nhức nhối thường trực lan sang cả châu Âu và Mỹ như hiện nay.

Ai cũng hô rất to “chống khủng bố”, nhưng thực tế cho thấy việc quốc tế hóa cuộc nội chiến ở Syria đến mức như hiện nay thì kẻ trục lợi nhiều nhất chính là IS.

IS có thể sẽ bị xóa sổ về mặt tổ chức và lãnh thổ tại Syria - Iraq, nhưng hiện đã hình thành một “tiểu bang” của IS ở Libya và những tổ chức khủng bố khác gia nhập IS, như Boko Harram ở Nigeria, Ansar Beit Muqaddas ở Sinai của Ai Cập, al-Khorasani ở Nam Á và cả nhóm Abu Sayyaf ở Philippines...

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP