Những vùng cam chờ ngày "khai tử"
Sau giai đoạn hoàng kim, nghề trồng cam trên đất Nghệ An đang lao dốc không phanh. Mọi thứ không theo lộ trình vạch sẵn khiến chủ trương phát triển cây ăn quả có múi, trọng tâm là cây cam của địa phương này đứng trước bờ vực phá sản.
Để ngăn chặn tình trạng suy thoái trầm trọng tại các vùng trồng cam, đòi hỏi phải có một "cuộc cách mạng" triệt để. Ảnh: Việt Khánh. |
Như năm 2015, toàn tỉnh Nghệ An có 3.542ha cam, năm 2020 tăng lên 4.735ha (giai đoạn 2016 - 2020 tăng trung bình 5,98%/năm). Diện tích cam tập trung chủ yếu tại các huyện Quỳ Hợp (1.633ha), Nghĩa Đàn (901ha), Thanh Chương (484ha), Con Cuông (433ha), Anh Sơn (193ha), Tân Kỳ (168ha), Yên Thành (314ha).
Năng suất, sản lượng cam của Nghệ An giai đoạn này rất khá, duy trì đà nhảy vọt qua từng năm. Năm 2015, năng suất cam trung bình của tỉnh đạt hơn 140 tạ/ha, năm 2020 tăng lên 156,4 tạ/ha (vùng đồng bằng 171,5 tạ/ha; vùng núi thấp 155,9 tạ/ha, vùng núi cao 133 tạ/ha), cao hơn nhiều so với năng suất cam trung bình cả nước (141 tạ/ha). Sản lượng cam của Nghệ An năm 2015 đạt 28.588 tấn, năm 2020 đạt 59.320 tấn (vùng đồng bằng 11.325 tấn; vùng núi thấp 43.307 tấn; vùng núi cao 4.688 tấn).
Chính những người trong cuộc quả quyết, cam là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế rất cao. Ngay như niên vụ vừa qua, mặc dù giá giảm sâu nhưng thu nhập nhìn chung của cây cam vẫn rất khả quan, đạt 150 - 250 triệu đồng/ha. Cá biệt có những diện tích cho năng suất 30 - 40 tấn/ha, thời điểm được giá (khoảng 25.000 đồng/kg) thu nhập có thể đạt mức 750 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Riêng cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên (Nghi Lộc) giá bán cao ngất ngưởng từ 50.000 - 80.000 đồng/quả và luôn trong tình trạng khan hàng, khỏi nói tâm lý chủ vườn phấn chấn ra sao.
Dù vậy ngày vui chóng qua mau, hàng loạt yếu tố bất thuận ập đến cùng lúc đã đẩy nghề trồng cam vào tình cảnh khốn đốn. Nhà nông không kham nổi buộc phải cắn răng chặt bỏ hàng loạt diện tích cả mới lẫn cũ, thương hiệu “cam Vinh” cũng mất dần chỗ đứng, cứ thế nợ nần trong dân ngày một chất chồng.
Cây cam trên đất Nghệ An đang trên đà lao dốc không phanh. Ảnh: Quốc Toản. |
Tại huyện Con Cuông, khi dịch bệnh tràn lan, chất lượng quả cam kém, giá bán thấp (8.000 - 10.0000đ/kg) khiến người dân không có khả năng tái đầu tư. "Của đau con xót", trong khoảng 1 - 3 năm sau khi cây cam cho quả, chủ vườn vẫn cố tận thu dù năng suất chỉ đạt vỏn vẹn 3 - 5 tấn/năm, giá bán quanh quẩn chỉ 3.000 - 5.000đ/kg, sự thể kéo dài lay lắt khiến người trồng kiệt quệ. Thực trạng này nhanh chóng lan đến các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn...
Ghi nhận đến tháng 10/2022, tại 10 huyện chuyên trồng cam của tỉnh Nghệ An có 1.624,7ha bị suy thoái, chiếm 59,9% tổng diện tích. Trong đó suy thoái mức độ nhẹ là 546,1ha, chiếm 33,6%; trung bình là 733,3ha, chiếm 45,1%; nặng là 345,3ha, chiếm 21,3%. |
Cần biết rằng, cây cam đòi hỏi về dinh dưỡng rất cao, đồng nghĩa kinh phí đầu tư lớn và kéo dài mới mong cho năng suất, chất lượng như ý, bằng không khó tránh khỏi xuống cấp và suy thoái. Vì lẽ đó, một khi người trồng cam không có khả năng thâm canh, hoặc đầu tư thâm canh nhỏ giọt, nghiễm nhiên sẽ thất bại.
Không thể mãi "cố đấm ăn xôi" khi túi nhẵn tiền, bắt buộc nhà nông phải bỏ bê dần cây cam, đó là lý do diện tích trồng cam của Nghệ An giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Nếu như năm 2020, tại 10 huyện trọng điểm trồng cam (Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghi Lộc, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa) có đến 4.460ha cam thì đến tháng 10/2022 chỉ còn dao động khoảng 2.200 - 2.500ha.
Thực sự đáng quan ngại khi nhiều vùng trồng cam bị suy thoái trầm trọng, riêng thị xã Thái Hòa và huyện Nam Đàn tỷ lệ suy thoái đạt ngưỡng 100%, kế đó là Anh Sơn (83,3%), Nghĩa Đàn (79,0%), Con Cuông (74,3%). 2 huyện Nghi Lộc và Yên Thành chưa quá bi đát nhưng phải đặc biệt đề phòng nếu không muốn đi vào “vết xe đổ” như thủ phủ cam Quỳ Hợp, nơi sẽ sạch bóng cây cam trong tương lai gần.
Gần 10 năm trồng cam, chưa lúc nào anh Trần Danh Tuân cảm thấy bất an như hiện tại. Ảnh: Việt Khánh. |
Gia đình anh Trần Danh Tuân ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành bắt tay trồng cam từ năm 2014 với quy mô 1ha. Nhận thấy giá trị kinh tế vượt trội từ “cây bạc tỷ” mang lại, năm 2018 và 2022, anh chủ động nhân rộng lên 3ha, chủ lực là giống cam Xã Đoài với khoảng 800 cây, còn lại là cam Vân Du và V2.
“Vườn cam chớm bệnh từ năm 2021, chính thức bùng phát mạnh từ giữa năm 2022 đến nay. Không phải do bệnh Greening như trước kia, gần đây phần đa là bệnh vàng lá thối rễ, các loại nấm bệnh gây hại nằm sâu dưới đất rất khó xử lý, dù đã tiến hành chặt bỏ để hạn chế lây lan nhưng không ăn thua. Vườn cũ 2ha đã tiến hành phá bỏ 200 cây, ngay tại vườn mới bước đầu cũng chặt bỏ 25 cây, chưa bao giờ tình hình bi đát đến vậy, bệnh xuất hiện tràn lan, chúng tôi không chống lại được”, anh Tuân ngán ngẩm.
Thắp hi vọng "hồi sinh" cây cam
Theo rà soát cho thấy, vùng cam tại huyện Nghi Lộc hiện nay bị thoái hóa giống, dịch bệnh và ngập úng; huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa bị bệnh Greening và các bệnh do nấm; huyện Quỳ Hợp do Greening, các bệnh do nấm và đất bị trơ cứng; huyện Yên Thành do các bệnh về tuyến trùng, nấm và kỹ thuật canh tác... Mỗi nơi mỗi vẻ nhưng tình cảnh chung của cây cam tại Nghệ An đều bi đát.
Thực trạng đáng báo động cho thấy phải có phương án ứng phó kịp thời nhằm cứu vãn tình hình. Năm 2020 – 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An đã xây dựng các mô hình “Quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại nhằm khắc phục hiện tượng cam kém chất lượng, bệnh rụng quả, vàng lá thối rễ trên cây cam thời kỳ kinh doanh” đối với những vườn cam kém chất lượng tại huyện Con Cuông.
Nhiều vườn cam cho thấy dấu hiệu phục hồi khi áp dụng đúng quy chuẩn. Ảnh: Quốc Toản. |
Sau 2 năm, kết quả khá ấn tượng, cây cam duy trì đà sinh trưởng, phát triển tốt nhờ bộ rễ khỏe, hạn chế tình trạng rụng quả, vàng lá thối rễ. Năng suất năm 2021 đạt 15 - 20 tấn/ha, cao hơn 5 - 7 tấn/ha so với năm 2019 và 2020. Tổng doanh thu của các mô hình năm 2021 đạt 350 - 400 triệu đồng/ha, lãi 250 - 300 triệu đồng.
Từ cơ sở này, năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An tiếp tục lựa chọn vườn cam 3 năm tuổi của chị Nguyễn Thị Hường tại Trại Lác, xóm 1, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành vốn có hiện tượng suy thoái để kiểm chứng thêm.
Chấp nhận thay đổi toàn diện quy trình, làm mới tư duy cho nhà nông đã mang lại thành quả ngọt ngào. Vườn cam được chăm sóc bài bản, áp dụng khoa học công nghệ đúng cách, đảm bảo cân đối dinh dưỡng, kết hợp quản lý chặt chẽ yếu tố dịch hại giúp vườn cam hồi sinh ngoạn mục. Nhìn chung, sâu bệnh gây hại cơ bản được hạn chế, những cây cam bị suy thoái ở mức độ nhẹ đến trung bình được phục hồi và phát triển tốt.
Một số mô hình phục hồi vườn cam ở Nghệ An bước đầu cho tín hiệu hết sức đáng mừng, kỳ vọng có thể vực dậy nghề trồng cam trên đất Nghệ An. Ảnh: Quốc Toản. |
Tương tự, trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cũng xây dựng mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật trong canh tác đối với 18 vườn cam bị suy thoái nặng tại các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Thanh Chương, Yên Thành.
Quá trình thực hiện yêu cầu các chủ vườn phải áp dụng đồng bộ, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật (vệ sinh vườn, tỉa cành, tạo tán, bón phân cân đối (vôi, phân đa lượng, trung, vi lượng), quản lý tổng hợp dịch bệnh theo đề tài KH-CN cấp tỉnh, sử dụng chế phẩm sinh học...
Khi áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp cho các đối tượng như nhện đỏ, sâu vẽ bùa, ruồi vàng, ngài chích hút thì mật độ, tỷ lệ hại và chỉ số gây hại đều giảm rõ rệt. Dịch bệnh được kiểm soát, hiệu quả kinh tế được đảm bảo, những mô hình điểm đều đạt năng suất trên 13 tấn/ha, lãi từ 170 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn so với những vườn đối chứng từ 35 - 45%. |
Tác giả: Việt Khánh - Quốc Toản
Nguồn tin: nongnghiep.vn