Trong tỉnh

Thảo luận tại hội trường: Nhiều vấn đề cử tri quan tâm được giải đáp

Chiều 6/12, Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng điều hành phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 6/12

Trong phiên thảo luận chiều nay, lãnh đạo các ngành đã trả lời, làm rõ các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến: Chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, xóm, bản; việc cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tỷ lệ giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông... Đại biểu cũng đề nghị tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp huyện; thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án chưa triển khai; việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là ở vùng miền núi; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm…

Cử tri quan tâm đến các chính sách cho đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở

Đại biểu Lê Thị Kim Chung – Đơn vị bầu cử huyện Quỳnh Lưu nêu kiến nghị

Đối với ý kiến cho rằng, phụ cấp cho đội ngũ bán chuyên trách ở cấp xã có tính cào bằng, không tính đến chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng, theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng, việc chi trả được thực hiện theo vị trí việc làm, để xác định cấp Phó của đơn vị nào nhiều việc hơn, quan trọng hơn là rất khó. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng căn cứ Quyết định số 2102-QĐ/TU ngày 30/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để xây dựng dự thảo Nghị quyết thực hiện.

Về đề nghị tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, xóm, khối, bản, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, dự thảo Nghị quyết mới quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, xóm, khối, bản ở mức cao nhất theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ tăng khoảng 20-45% so với mức phụ cấp quy định trước đây (tương đương với 81 tỷ đồng/năm). Kinh phí chi trả cho các đối tượng này do ngân sách tỉnh đảm bảo. Người đứng đầu ngành Nội vụ mong rằng nếu Nghị quyết được thông qua thì đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, xón, bản chia sẻ khó khăn với ngân sách của địa phương.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng trả lời tại hội trường

Thực hiện theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định số lượng, mức khoán phụ cấp người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo từng loại đơn vị hành chính cấp xã, dự thảo Nghị quyết lần này quy định mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách đều bằng 1,5 lần mức lương cơ sở (có chức danh Phó Trưởng ban bảo vệ dân phố phải thấp hơn Trưởng ban bảo vệ dân phố nên quy định 1,3 lần mức lương cơ sở). Đối với các xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã tăng do diện tích và dân số nhiều hơn so với quy định thì được tăng 1,5 lần mức lương cơ sở/người tăng thêm.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số chức danh, theo Giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay đề xuất bổ sung được 4 chức danh bán chuyên trách gồm Văn phòng cấp ủy, Phụ trách nhà văn hóa và đài truyền thanh, Thủ quỹ và Đội quy tắc đô thị.

Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đối với ý kiến cử tri đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị tư vấn bám sát địa bàn để tập trung cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao cho một đồng chí Phó Giám đốc và các phòng chuyên môn làm việc với các huyện, xã để đôn đốc chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn trong việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. "Đơn vị tư vấn chỉ có vai trò, trách nhiệm hỗ trợ cho xã, huyện lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn trách nhiệm chính là của chính quyền địa phương"- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt trả lời các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

Đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 200 hộ dân ở bản Búng và bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước đây UBND tỉnh có quyết định giao đất cho Vườn quốc gia Pù Mát, trong đó có hơn 400 ha thuộc 2 bản này. Thời gian qua, Vườn Quốc gia Pù Mát có đề xuất thu hồi diện tích đất này để bàn giao về cho địa phương quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn trích lục, trích đo diện tích đất này. Sau khi hoàn thành, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi diện tích đất này, đồng thời hướng dẫn huyện Con Cuông lập hồ sơ để cấp đất cho các hộ dân.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Lê Thị Kim Chung - đơn vị bầu cử huyện Quỳnh Lưu về diện tích đất UBND tỉnh cấp cho Công ty Cổ phần muối và khoáng sản Nghệ An nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, trong khi Trường Mầm non xã Quỳnh Thuận muốn mở rộng nhưng vướng diện tích đất của Công ty không thể mở rộng được, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra các dự án chậm tiến độ, Sở sẽ tham mưu để đưa diện tích này vào kiểm tra. Nếu diện tích này sử dụng không đúng mục đích, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh thu hồi để sử dụng vào mục đích khác.

Nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên thảo luận hội trường

Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh 22 báo cáo và 30 dự thảo Nghị quyết. Qua theo dõi, tổng hợp thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, ý kiến của cử tri qua đường dây nóng, cơ bản các đại biểu và cử tri đồng tình với các nội dung báo cáo, nội dung dự thảo Nghị quyết. Nhiều ý kiến của các đại biểu trách nhiệm, thẳng thắn sâu sắc, toàn diện, sát thực tiễn vì sự phát triển chung của tỉnh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những bức xúc như quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, dự án chậm tiến độ, công tác quản lý bảo vệ rừng...

Qua phát biểu, các đại biểu đã gợi mở nhiều nội dung, giải pháp thực hiện tốt công tác điều hành của UBND tỉnh. Các ý kiến tại thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường đã được lãnh đạo các ngành trả lời nhưng chưa giải quyết được những vấn đề cử tri nêu ra. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế, thiếu nguồn lực và ở đâu đó còn thiếu sự quan tâm.

Đối với vấn đề ủy quyền phân cấp, hiện nay UBND tỉnh thực hiện phân cấp ủy quyền cho cấp huyện về quản lý quy hoạch, phân cấp về quản lý xây dựng, ủy quyền về xác định giá đất… Tuy nhiên, việc phân cấp phải thực hiện trong điều kiện chung cho tất cả các địa phương.

Với trách nhiệm của người đứng đầu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu có trách nhiệm để chỉ đạo xử lý và giải quyết ở mức tối đa những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri kiến nghị để hoàn thiện các giải pháp, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Điểm lại những kết quả phát triển kinh tế – xã hội nổi bật trong năm 2023 và những chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; sự đồng hành của HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh sẽ cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 36 của Quốc hội. Trong đó, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh; thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách có hiệu quả; triển khai thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đề án mở rộng địa giới thành phố Vinh, đề án mở rộng khu kinh tế Đông Nam. Tiếp tục đẩy nhanh các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tập trung giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp…

Đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung bồi thường giải phóng Quốc lộ 1A vừa được phê duyệt.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong tình hình mới. Thường xuyên nắm bắt thông tin và kịp thời giải quyết những kiến nghị ngay từ cơ sở.

"Kế thừa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự phối hợp, giám sát có hiệu quả của HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; sự nỗ lực trong công tác điều hành của UBND tỉnh, chúng ta sẽ thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá, các vị đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành đã thảo luận rất thẳng thắn, tập trung để làm rõ những nội dung cử tri băn khoăn và những nội dung trình kỳ họp

Trong ngày làm việc hôm nay (06/12) đã có 26 lượt ý kiến của cử tri thuộc 4 lĩnh vực gửi đến kỳ họp qua đường dây nóng. Trong đó, có 12 ý kiến ở lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông, đô thị; 05 ý kiến ở lĩnh vực nội vụ, chế độ, chính sách; 01 ý kiến ở lĩnh vực tài chính, đầu tư công.

Tác giả: NPV

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP