Có nhiều cách để sở hữu một làn da sáng mịn và khỏe mạnh như sử dụng dụng các loại kem dưỡng da chứa các hợp chất chống oxy hoặc tăng tổng hợp collagen hay tái tạo bề mặt da bằng tia laser.... Tẩy tế bào chết là một trong số những cách tốt nhất mà bạn có thể thực hiện tại nhà nhằm mục đích sở hữu một làn da mịn màng, sáng khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai phương pháp, hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng.
Ảnh minh họa |
Các loại tẩy tế bào chết
Có hai loại tẩy tế bào chết hiện nay đó là tẩy tế bào chết vật lý và tẩy tế bào chết hóa học.
Tẩy tế bào chết vật lý (hay còn gọi là tẩy tế bào chết cơ học) là phương pháp tẩy tế bào da chết thông dụng nhất. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng các loại bột ngũ cốc hoặc các hạt nhỏ để ma sát, lấy đi các tế bào da chết trên bề mặt da. Tuy nhiên, việc tẩy tế bào da chết vật lý thường không hoàn toàn và không đạt hiệu quả 100% do các tế bào chết cứng đầu không dễ gì rời đi mà thậm chí các hạt nhỏ này có thể gây tổn thương, kích ứng da do bị chà xát nhiều.
Tẩy tế bào chết hóa học là phương pháp tẩy tế bào chết bằng hóa chất vô cùng hữu hiệu. Hóa chất tẩy tế bào chết làm mịn da bằng cách hòa tan “chất keo” để gắn các tế bào da vào bề mặt của da. Hóa chất này cũng có thể tẩy đi lớp da chết bằng cách tiêu hóa các tế bào. Các axit Hydroxy như Acid Lactic, Glycolic Acid, Salicylic Acid, Retinol và các enzym là một vài cái tên quen thuộc trong hóa chất tẩy tế bào chết.
Ảnh minh họa |
Nên tẩy da chết mấy lần/ tuần?
Hầu hết các chuyên gia tư vấn làm đẹp, nhân viên bán mỹ phẩm và nhà sản xuất đều khuyến cáo chị em nên tẩy tế bào chết cho da đều đặn từ 1- 2 lần/ tuần. Và thời gian thực hiện tốt nhất là buổi tối trước khi bạn tắm rửa và khi đi ngủ.
Lưu ý khi tẩy tế bào chết cho da
- Không lạm dụng việc tẩy da chết: Tuy rằng việc tẩy tế bào da chết thường xuyên là rất tốt cho làn da của bạn nhưng nếu như bạn quá lạm dụng vào việc này thì tác dụng bạn nhận được sẽ ngược lại. Bạn sẽ tự mình huỷ hoại làn da của mình, làm làn da của mình mỏng hơn, da yếu hơn, không đủ khỏe để chống lại các tác nhân gây hại bên ngoài.
- Không tẩy tế bào chết cho vùng mắt: Vùng da xung quanh mắt vốn dĩ rất mỏng manh và không có da chết nhiều như các vùng da khác trên mặt. Vì vậy khi tẩy tế bào chết trên mặt, tuyệt đối bạn hãy tránh tẩy vùng da mắt.
Ảnh minh họa |
- Tuyệt đối không dùng tẩy da chết toàn thân để tẩy da chết cho mặt. Những loại tẩy da chết toàn thân thường quá thô ráp với da mặt, bởi cấu trúc da ở hai vùng da mặt và da toàn thân này hoàn toàn khác nhau. Vì vậy bạn cần có các loại tẩy da chết riêng cho hai vùng da này.
– Với những loại da khác nhau (da khô, da dầu, da nhạy cảm, da hỗn hợp, da thường, da mụn…) thì chúng ta phải có các sản phẩm tẩy da chết cũng riêng biệt và phù hợp cho từng loại da. Bạn nên xem xét thật kỹ trước khi quyết định mua sản phẩm tẩy da chết nào đó về sử dụng.
– Đừng quên dưỡng ẩm cho da: Sau khi thực hiện việc tẩy tế bào chết trên mặt, bạn sẽ có được một cái nhìn mới đối với làn da của mình. Nhưng bạn phải biết rõ một điều rằng, sau khi tẩy tế bào da chết thì đồng thời làn da của bạn cũng mất đi độ ẩm khiến cho làn da bị khô. Đây cũng chính là lúc da hấp thu các chất dinh dưỡng tốt nhất. Vậy nên nếu như có thời gian, bạn hãy đắp thêm các loại mặt nạ dưỡng da (tốt nhất là mặt nạ từ thiên nhiên) sau khi bạn vừa tẩy da chết.
Tác giả: Hoàng Ly (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam