Giáo dục

Tâm sự của ông bố ở nhà trông con 4 mùa dịch

"Nhiều người thì vứt iPad, TV cho trẻ xem cả ngày rồi bảo 'tôi ở nhà với nó suốt có stress đâu'. Cái đó dễ quá, tôi không thích làm", một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ.

Do công việc có thể thu xếp làm tại nhà, suốt 2 năm qua, mỗi khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Mai Hà (Hà Nội) lại được giao nhiệm vụ ở nhà trông hai cô con gái. Hiện tại, một bé đang học lớp 5, bé còn lại mới hơn 3 tuổi.

“Không thể nói công việc không bị ảnh hưởng. Nhưng biết làm sao khi Covid-19 tác động đến cả những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ”, anh Hà tâm sự.

Anh Mai Hà chia sẻ việc chơi cùng con khi ở nhà mùa dịch. Ảnh chụp màn hình.

Anh Mai Hà cho biết từ khi trường học đóng cửa, trẻ phải ở nhà. Những gia đình không có ông bà trông con giúp như gia đình anh càng khổ sở vì Covid-19.

Theo anh, cái khó nhất là làm sao vừa cắt cử được một trong hai vợ chồng ở nhà trông con mà công việc vẫn đảm bảo, thu nhập không quá thấp.

Cũng may, với gia đình anh, những thay đổi do dịch gây ra lại mang lại điều tích cực khi các thành viên yêu thương nhau nhiều hơn, hiểu nhau và chăm chỉ hơn. Cá nhân anh cũng học cách kiềm chế bản thân tốt hơn.

Trong quá trình trông con, anh Mai Hà không cầu toàn đến mức kỳ vọng con vừa chơi vừa học thêm kiến thức mới khi ở nhà vì dịch. Bản thân anh tự nhận cũng không làm được như vậy.

Do còn phải làm việc ở nhà, nam phụ huynh tham vọng vừa phải, trông con chơi những trò chơi an toàn, đọc sách, vẽ tranh... còn học tập, đợi khi các cháu đi học trở lại.

“Nhiều người thì vứt iPad, TV cho trẻ xem cả ngày rồi bảo ‘tôi ở nhà với nó suốt có stress đâu’. Cái đó dễ quá, tôi không thích làm”, anh Mai Hà nói thêm.

Anh cho rằng gia đình anh ở chung cư, dễ trông trẻ hơn ở nhà đất. Đương nhiên, vừa làm việc vừa trông con cũng dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.

Anh Mai Hà nhận ra nên thu xếp công việc càng nhiều càng tốt khi con đang ngủ. Ảnh: M.H.

Anh Hà kể có lần, anh đang trao đổi với đối tác, con vào phá, anh phải vừa dỗ vừa quát con rồi xin lỗi đối tác. Cũng có hôm, bé lớn đang học online, em gái nhảy vào giành iPad, anh phải can thiệp. Cũng may, cô giáo vui vẻ, khen em gái đáng yêu.

Đáng nhớ nhất là vụ con gái lớn bỏ nhà đi đâu không biết. Hóa ra, con bị em bắt nạt ngày này qua ngày khác dẫn đến stress, xuống sân khóc như mưa một tiếng đồng hồ mới chịu về.

Từ những ngày ở nhà trông con, anh Mai Hà nhận ra giải pháp ổn nhất là anh cố gắng thu xếp, giải quyết càng nhiều việc của mình càng tốt lúc con đang ngủ.

Một khi con tỉnh giấc, chuyện ăn uống, chơi bời, phá phách đều đến tay anh phải lo. Những lúc đó, anh chấp nhận chơi game nhập vai, trở thành người bạn đích thực của con. Con thích chơi gì, nói chuyện gì, anh cũng vờ ngô nghê, ngốc nghếch, vụng về như các con, thậm chí thay cả đổi giới tính, độ tuổi, sở thích… để chơi cùng con.

Mỗi lần dịch bùng phát, anh Mai Hà cũng như bao người khác, mong mỏi các thành viên trong gia đình an toàn, mọi việc du lịch, ăn chơi đều tính sau.

Anh cũng tự nhận bản thân còn nhiều thiếu sót trong việc trông con. Nhưng ông bố ở Hà Nội cũng rút ra kinh nghiệm để tránh stress.

“Bố mẹ phải luôn luôn xác định tinh thần lạc quan, rằng mọi thứ tốt đẹp đang chờ đợi phía trước. Người lớn lạc quan, các con mới vui tươi, yêu đời được”, anh Mai Hà chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP