Trong nước

Tạm đình chỉ Bí thư và Chủ tịch xã liên quan vụ dầu giả

Ông Nguyễn Đức, Bí thư Đảng ủy và bà Trần Thị Huệ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, bị tạm đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày.

Ngày 7-3, Huyện ủy huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã có thông cáo báo chí về việc tạm đình chỉ chức vụ của Bí thư, Chủ tịch xã Bình Trung, huyện Châu Đức liên quan đến vụ việc để cơ sở tái chế nhớt trái phép trên địa bàn.

Theo đó, ông Nguyễn Đức, Bí thư Đảng ủy và bà Trần Thị Huệ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, bị tạm đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 7-3, để làm rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương có liên quan đến việc để xảy ra cơ sở tái chế dầu nhớt trái phép trên địa bàn.

Cơ quan công an thu giữ tang vật tại cơ sở tái chế dầu nhớt thải trái phép

Theo thông cáo của Huyện ủy Châu Đức, những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vụ việc cơ sở tái chế dầu nhớt trái phép tại thôn 5 xã Bình Trung, huyện Châu Đức.

Sau khi nhận được thông tin, Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm việc với Đảng ủy, UBND xã Bình Trung, các cơ quan chức năng của huyện để xem xét sự việc, cũng như làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan theo phản ánh của cơ quan báo chí và đi đến kết luận tạm đình chỉ chức vụ của Bí thư và Chủ tịch xã Bình Trung.

Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Đức đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự việc trên để xử lý theo quy định.

Như Báo Người Lao Động thông tin, chiều 2-3, cơ quan công an đã bất ngờ đột kích vào cơ sở nấu dầu nhớt của ông Trần Thiện Minh (SN 1983, ngụ TP Bà Rịa) đặt tại xã Bình Trung với tổng diện tích khoảng 1.500m2.

Khi đột kích vào cơ sở này, trên khu đất có nhiều phương tiện như lò nấu, máy bơm, bồn chứa, đường ống, hóa chất, axít… để chưng cất, pha chế dầu nhớt thải. Cơ quan công an đã lập biên bản thu giữ khoảng 9.000 lít dầu nhớt đã qua sử dụng, khoảng 10.000 lít dầu thành phẩm, nhiều can nhựa màu xanh dùng để lọc trắng, tạo màu cho dầu nhớt thành phẩm, nhiều bao tải hóa chất dùng để thử nghiệm lọc dầu và một số dụng cụ, phương tiện khác.

Dầu nhớt sau khi tái chế sẽ được chở đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh

Qua kiểm tra, xác minh ban đầu, Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xác định ông Minh là người trực tiếp tiến hành các giao dịch mua dầu nhớt thải về, chỉ đạo các nhân công trong cơ sở đổ vào các rãnh để lọc các tạp chất và rác thải, tiếp theo bơm lên buồng đốt để cho nước bay hơi, sau đó ông Minh trực tiếp pha chế với các phụ gia ở công đoạn cuối để ra thành phẩm là loại dầu đốt.

Theo lời khai, Minh thực hiện mua dầu nhớt theo thùng, mỗi thùng 200 lít, giá dao động từ 600.000 đồng/thùng đến 1 triệu đồng/thùng tùy thời điểm và bán ra với giá dao động từ 10.000 đồng/lít đến 16.000 đồng/lít tùy thời điểm.

Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xác định đây là cơ sở sản xuất trái phép có công suất lớn, trung bình khoảng 200.000 lít/tháng, không có giấy phép kinh doanh, không giấy phép hành nghề, không giấy phép về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, không có hóa đơn chứng từ.

Theo điều tra ban đầu, thành phẩm là dầu đốt sau đó đưa đi tiêu thụ tại nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.

Tác giả: Ngọc Giang

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP