Tìm hiểu cách giảm béo bằng quấn nilon
Béo bụng là nỗi lo thường trực của phụ nữ nên họ sẵn sàng thử mọi biện pháp để có vòng eo thon gọn. Giảm béo bằng cách quấn nilon (body wrap) là phương pháp giảm béo, giảm mỡ thông qua việc quấn nilon kết hợp bôi kem làm tan mỡ, hoặc các nguyên liệu có tính nóng (như gừng, mật ong, tinh dầu quế…).
Theo đó, sức nóng từ các nguyên liệu và nilon quấn kín sẽ làm tan mỡ, từ đó giảm béo và mang lại một vóc dáng thon gọn hơn.
Phương pháp giảm béo này sử dụng nhiều nguyên liệu có tính nóng, vì thế rất dễ xảy ra dị ứng. (Ảnh minh họa) |
Phương pháp này được khá nhiều người, đặc biệt là các bạn nữ ưa chuộng vì có thể giảm mỡ rất nhanh mà không cần phải tốn công sức, ăn kiêng hay tập luyện nhiều. Không những thế, cách giảm béo này còn được cho là giúp da dẻ hồng hào, mịn màng hơn. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, biện pháp này không có tác dụng.
Giảm béo bằng quấn nilon có thể gây bỏng da
Nói về hiệu quả của phương pháp này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, quấn nilon kết hợp với các loại kem làm nóng vùng da chỉ là một biện pháp sử dụng nhiệt để làm mất nước tại chỗ hoặc trên toàn cơ thể.
Việc làm giảm khối nước của cơ thể có thể gây cảm giác giảm mỡ nhanh chóng nhưng thực tế trọng lượng cơ thể sẽ được phục hồi khi uống bù đủ nước. Hơn nữa, việc quấn nóng có thể gây tổn thương da và các tế bào khác của cơ thể do nhiệt độ tiếp xúc quá cao.
GS. Trần Thiết Sơn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, cho biết các phương pháp đốt cháy mỡ bụng như quấn nilon bằng tinh dầu, đeo nịt bụng đều không có giá trị. Riêng da bị rạn sau sinh vốn không thể phục hồi bởi đây là do rạn từ trung bì. Do đó, việc bôi mật ong, tinh dầu các loại hoặc nịt bụng hoàn toàn không có giá trị khi chỉ can thiệp ở trên lớp thượng bì.
Vẫn theo GS Trần Thiết Sơn, để giảm mỡ hiệu quả và xóa vết rạn, các bác sĩ thường phải phẫu thuật cắt bỏ mỡ thừa, tạo hình lại da bụng. Tuy nhiên, việc phẫu thuật giảm mỡ bụng cũng được chỉ định rất chặt chẽ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết để khắc phục tình trạng béo bụng, ngay cả với phương pháp hút mỡ bụng, các bác sĩ chỉ thực hiện đối với những người có lớp mỡ trung bình (không quá nhiều). Với người quá béo, hút mỡ bụng không đem lại kết quả.
Tác giả: Phương Vũ (T/H)
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam