Pháp luật

Sớm di dời Trạm thu phí cầu Bến Thủy về vị trí hợp lý

Mặc dù không sử dụng các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn BOT, nhưng nhiều phương tiện tham gia giao thông tuyến Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - Vinh (Nghệ An) lại phải trả mức phí cao tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và 2. Sự tồn tại của Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và 2 đã vô hình tạo lực cản đối với quá trình phát triển đô thị và dịch vụ, du lịch của huyện Nghi Xuân.

714c8b4ba83ca2d80ff83c9b83053e76
Các Trạm thu phí cầu Bến Thủy đang nằm ở vị trí bất hợp lý.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cũng như bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) rất đáng khuyến khích. Ở địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh có nhiều dự án giao thông quan trọng được đầu tư bằng hình thức trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Trong đó, có một số dự án lớn do Tổng công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) làm chủ đầu tư, gồm: Tuyến tránh TP Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 1A đoạn nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh; dự án cầu vượt QL46 với đường sắt bắc - nam; tiểu dự án cầu vượt QL8B (cũ) với QL1A; dự án cầu đường bộ Yên Xuân trên địa bàn hai huyện Hưng Nguyên - Nam Đàn (Nghệ An). Tổng mức đầu tư cho các dự án này khoảng hơn 4.200 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho các dự án này, Cienco 4 được phép thu phí qua cầu Bến Thủy 1 và 2. Mới đây, Cienco 4 lại tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An được đầu tư cầu Bến Thủy 3 với số vốn 2.000 tỷ đồng. Để thu hồi vốn dự án này, Cienco 4 đề nghị tăng thời gian thu phí cầu Bến thủy 1 và 2 lên thêm ba năm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương, việc đặt trạm thu phí tại hai cầu Bến Thủy như hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý. Trong năm dự án trên, có ba dự án thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An (gồm tuyến tránh TP Vinh, cầu vượt QL46 và cầu Yên Xuân), với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, và các phương tiện của nhiều địa phương tỉnh Hà Tĩnh chỉ đi qua cầu Bến Thủy cũng phải "è cổ" trả phí cho ba công trình này. Thậm chí khi người dân các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2, đều không tham gia giao thông tại ba công trình trên, nhưng phải trả phí trong nhiều năm nay. Quan sát tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy, chúng tôi nhận thấy, nhiều xe của người dân, công nhân viên chức, xe chở nông sản, thực phẩm, hải sản, ta-xi ở TP Vinh và huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh… chỉ qua lại hai bên cầu Bến Thủy, đều phải trả phí.

Ông Võ Hiền trú khối 1, thị trấn Xuân An bức xúc: Hầu hết người dân sinh sống và làm việc ở khu vực hai bên cầu Bến Thủy, mặc dù không sử dụng các công trình đầu tư bằng vốn BOT, nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải trả phí cho những công trình này. Theo anh Nguyễn Minh Anh, ở Gia Lách (thị trấn Xuân An), phí qua cầu quá cao, nên đời sống sinh hoạt của người dân cũng ảnh hưởng theo, thậm chí thức ăn, giá cả chợ búa đều bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Xuân Đoán, Giám đốc Công ty TNHH Trường Đoán cho biết: Việc hoạt động kinh doanh thương mại của doanh nghiệp chủ yếu trên địa bàn TP Vinh và huyện Nghi Xuân gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Trạm thu phí cầu Bến Thủy tăng giá vé… Bức xúc do không sử dụng các công trình BOT, nhưng vẫn trả phí, hơn thế, phải chịu cảnh tăng giá phí qua cầu Bến Thủy quá cao, đã nhiều lần người dân, doanh nghiệp, cử tri huyện Nghi Xuân gửi đơn kiến nghị các bộ, ngành liên quan, nêu rõ việc thu phí tại cầu Bến Thủy cho các dự án BOT trên là không hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân... Đề nghị chủ đầu tư có phương án thu phí đúng đối tượng sử dụng; không thể kéo dài tình trạng này thêm nhiều năm.

Đáng nói hơn, theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 21-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng nam Nghệ An - bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 thì TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là đầu mối trung tâm quan trọng trong vùng. Việc xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các trung tâm đô thị của vùng với các khu vực động lực sản xuất, như các khu công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế về nguyên tắc phải bảo đảm thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, tạo việc làm cho người dân... Vì thế, việc đặt hai trạm thu phí trên là trở ngại lớn cho việc đi lại, giao lưu văn hóa, kinh tế của người dân Nghi Xuân và TP Vinh; tạo lực cản đối với sự phát triển của huyện Nghi Xuân, nhất là đối với việc phát triển đô thị và dịch vụ, du lịch.

Theo nhiều người dân và doanh nghiệp ở huyện Nghi Xuân, trước đây, thị trấn Xuân An (nam cầu Bến Thủy) là khu vực khá sầm uất, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ ven đô cho TP Vinh; giá đất ở hai bên cầu Bến Thủy gần như tương đương nhau. Nhưng, từ khi có trạm thu phí cầu Bến Thủy, các dịch vụ ở đây giảm dần, giá đất ở thị trấn Xuân An chỉ còn bằng một nửa hay hai phần ba giá đất ở bên kia sông, đô thị gần như không phát triển...

TRONG điều kiện nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động các thành phần kinh tế để phát triển giao thông đường bộ là một chủ trương lớn và cần thiết của Đảng, Nhà nước trong những năm qua. Trong quá trình xem xét quyết định đầu tư, các cơ quan quản lý phải cân nhắc giữa lợi ích của việc đầu tư mà người dân được hưởng với khoản phí mà người dân phải đóng. Nhưng rất tiếc, việc triển khai dự án BOT một nơi, chủ đầu tư tiến hành thu phí một nẻo, lại không tham vấn ý kiến người sử dụng và vùng ảnh hưởng khi chuẩn bị triển khai, đã tạo nên những bất cập trên.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh có văn bản đề nghị chủ đầu tư (Cienco 4) nghiên cứu dời điểm thu phí tại cầu Bến Thủy cho phù hợp thực tế và sự phát triển của địa phương. Qua tham khảo ý kiến chuyên ngành, các nhà quản lý, thì công bằng nhất là việc phương tiện tham gia giao thông đi qua dự án BOT nào thì thu tiền đoạn đó, thông qua thu phí tự động; còn xe ô-tô qua cầu Bến Thủy 1 hoặc 2 (đầu tư bằng ngân sách nhà nước) mà không qua tuyến tránh thì chỉ phải trả phí qua cầu… Trong lúc chưa triển khai thu phí theo đúng công trình đầu tư thì qua khảo sát địa bàn, chúng tôi thấy, có thể di dời các trạm thu phí cầu Bến Thủy vào vị trí giữa xã Xuân Lam trên tuyến QL1A cũ và xã Xuân Lĩnh (đều thuộc huyện Nghi Xuân), trên tuyến QL1A mới. Qua khảo sát thực tế, người dân các địa phương lân cận như Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chủ yếu là giao thương đi lại với các địa phương từ TP Vinh trở ra phía bắc, lưu lượng phương tiện giao thương với huyện Nghi Xuân là không đáng kể, cho nên việc thay đổi trạm như phương án này so với việc để nguyên vị trí trạm như cũ là rất ít bị ảnh hưởng và chấp nhận được.

Phương án này sẽ vừa bảo đảm điều kiện thu hồi vốn cho các dự án, không ảnh hưởng nhiều quyền lợi của người sử dụng, tạo động lực phát triển cho các địa phương của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh theo Quy hoạch vùng nam Nghệ An - bắc Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo sự đồng thuận của xã hội.

Tháng 6-2005, Cienco 4 được Bộ Giao thông vận tải cho phép thu phí cầu Bến Thủy để thu hồi vốn BOT tuyến tránh TP Vinh. Từ đó đến nay, cùng với việc đầu tư các dự án BOT khác trên địa bàn, doanh nghiệp này đã hai lần điều chỉnh tăng giá vé qua cầu Bến Thủy 1 và 2. Cụ thể: tháng 6-2014, tăng gần 100% so với mức phí cũ. Đến tháng 1-2016 tiếp tục tăng khoảng 50%, trong đó tập trung xe dưới 12 chỗ, xe tải nhẹ, xe khách… Mặc dù trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Bộ trưởng Giao thông vận tải đề nghị hoãn tăng giá vé qua cầu và lùi thời gian tăng giá vé đến 1-6-2016. Giá vé qua cầu Bến Thủy được đánh giá là cao so với mặt bằng chung (như vé xe dưới 12 chỗ, xe tải nhẹ là 45 nghìn đồng/lượt).

Tác giả bài viết: Tuấn Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP