Những ngày nắng nóng, nhu cầu đồ ăn giải nhiệt trở nên cấp bách với giới công sở, đặc biệt là chè, thạch rau câu, sữa chua mít, trà sữa, nước ép hoa quả… Nhu cầu là vậy, nhưng chị em công sợ rất ngại ra đường vì nắng, nóng, đen da. Nắm bắt tâm lý này, nhiều bạn trẻ đã tranh thủ kiếm thêm bằng cách chế biến những loại đồ uống "handmade 100%" và ship hàng theo từng khung giờ, đáp ứng nhu cầu "ăn đến nơi, chơi đến chốn" của khách hàng.
Hình thức kinh doanh online giúp sinh viên tiết kiệm chi phí, từ thuê mặt bằng, trang trí cửa hàng hay các phụ phí khác. Số vốn bỏ ra nhỏ, song mức lãi thu về cũng chẳng ít.
Vân Anh - sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: "Mình có tham khảo một số quán cà phê, mỗi cốc trà Thái giá 30.000-40.000 đồng, khá đắt với sinh viên. Do vậy, mình quyết định làm trà sữa Thái để bán, vì món này dễ pha chế mà không mất nhiều thời gian".
Trung bình một chai 350ml, Vân Anh bán 20.000 đồng, chai 500ml là 25.000 đồng. Có những ngày nắng nóng, nữ sinh viên bán gần 100 chai, thu về khoảng 1,5 triệu đồng, trừ chi phí nguyên liệu, lãi khoảng 800.000 đồng. "Tháng cao điểm, mình thu 20-25 triệu đồng. Để sản phẩm bắt mắt hơn, mình nhập thêm các loại chai, lọ thủy tinh rồi buộc nơ xinh xắn để đựng nếu khách có nhu cầu. Tất nhiên là chi phí sẽ tăng chút nhưng nhiều người vẫn ủng hộ", Vân Anh kể.
Chai trà sữa có mức giá phù hợp túi tiền của nhiều sinh viên, học sinh.
Khác với Vân Anh, Thùy Dung, sinh viên Đại học Thương mại lại kinh doanh trà sữa theo kiểu "vừa bán vừa cho". Vì chỉ làm để bán cho người quen, nên trà sữa của Dung giá 10.000 đồng cho chai 350ml, 15.000 đồng cho chai 500ml.
Xuất hiện ở Việt Nam đã lâu nhưng 1-2 năm gần đây, trà Thái này mới phát triển rầm rộ trong cộng đồng giới trẻ bởi vị ngon, thanh mát, màu sắc bắt mắt, giá cả phải chăng. Giá bán buôn nguyên liệu pha chế trà Thái khá rẻ. Cụ thể, trà Thái loại xanh là 80.000-100.000 đồng một gói 200gram; trà Thái loại đỏ rẻ hơn 60.000-80.000 đồng gói 400gram; sữa đặc Thái 35.000 đồng một lon; sữa bột Thái 120.000 đồng một kg, thạch rau câu 28.000-40.000 đồng một gói. Chỉ với các nguyên liệu này, chủ shop có thể pha chế 100 cốc trà Thái xanh hoặc đỏ thông thường. Với giá bán 15.000-30.000 đồng một cốc, số lãi thu về cho các shop không hề nhỏ.
Sữa chua mít được nhiều người yêu thích bởi độ ngọt của mít và sự thanh mát của các loại thạch.
Mùa hè cũng là thời điểm lên ngôi của các loại chè. Thanh Hằng, sinh viên năm 3 Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội) chuyên bán sữa chua mít trên Facebook chia sẻ: "Mình và người bạn thân chung tay kinh doanh online. Tất cả những gì bọn mình bỏ ra là tiền mua mít, sữa chua, các loại thạch và cốc hộp. Do vậy, nếu tính giá gốc thì chi phí một cốc sữa chua mít với đầy đặn các thành phần không cao. Số tiền lãi của mình gấp 3 lần số vốn nhưng đơn đặt hàng vẫn rất đều đặn".
Thùy Chi, chủ cửa hàng online chè khúc bạch tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Với những người ưa thích vị ngọt thanh mát thì chè khúc bạch là món ăn không thể chối từ. Sau khi tìm hiểu trên một số trang mạng, mình tự mày mò làm để thưởng thức rồi mới tập tành bán, phục vụ bạn bè gần xa. Mỗi bát chè khúc bạch tùy loại và thành phần, có giá giao động 7.000-15.000 đồng. Khách gọi từ 3 bát trở lên là mình nhận ship".
Bát chè khúc bạch thanh mát giá 7.000-15.000 đồng.
Mỹ Linh - cô chủ nhỏ của một shop bán nước cam trên Instagram được bạn bè biết đến với món cam vắt. Ngày thường, cô dùng khoảng 5-10 kg để làm ra những cốc nước cam, nhưng ngày nắng nóng đỉnh điểm có thể lên tới 20-30kg. Nhiều hôm, dân văn phòng gọi điện giao hàng gấp 4 lần ngày thường. Cứ một kg cam cho ra 6 ly, nên lượng tiêu thụ trong ngày có khi tới 180 ly, thu nhập lên đến 500.000 đồng.
Với nhiều món giải khát đơn giản, dễ làm, mùa hè là dịp để bạn sinh viên trổ tài và kiếm thêm thu nhập chuẩn bị cho năm học mới. Chỉ với chiếc điện thoại, máy tính có kết nối Internet là các bạn có thể phục vụ khách hàng của mình tận nơi. Các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo..., chính là "miền đất hứa" của các bạn trẻ đam mê kinh doanh online.
Tác giả bài viết: Khánh Linh