Trong nước

Sắp xếp chức danh phải bám sát quy định của Trung ương, Bộ Chính trị

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cách sắp xếp chức danh trong dự thảo Nghị quyết cần bám sát quy định của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tránh sắp xếp không đúng thứ tự, không nhất quán.

Ngày 25/7, Văn phòng Quốc hội và Ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết Ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết này. Chủ trì tọa đàm là bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Ban soạn thảo; ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tham dự có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên ban soạn thảo và tổ biên tập, đại diện một số đoàn Đại biểu Quốc hội cùng một số ban, ngành hữu quan.

Tọa đàm lấy ý kiến ngày 25/7 (Ảnh: Quochoi.vn).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, ngay sau khi được thành lập, ban soạn thảo đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, trong đó đề xuất 24 vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của nội quy, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo đã gửi xin ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 5 vừa qua. Dự kiến, nội dung này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại kỳ họp thứ 4 tới đây.

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về các nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết như: Tên gọi của văn bản; quy định thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội; việc bổ sung quy định không trình bày tờ trình, báo cáo tại một số phiên toàn thể nhằm tiết kiệm thời gian kỳ họp, đại biểu Quốc hội có thêm thời gian phát biểu, tranh luận; biểu quyết hỗn hợp; quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; xung đột pháp luật giữa các văn bản quy phạm pháp luật…

Tham gia thảo luận, ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, cách sắp xếp chức danh trong dự thảo Nghị quyết cần bám sát quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tránh việc sắp xếp không đúng thứ tự, không nhất quán.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhấn mạnh, Nghị quyết cũng cần quy định rõ ràng, chi tiết về yêu cầu trang phục của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường; quy định rõ các cơ quan truyền hình trực tiếp lễ khai mạc, lễ bế mạc và các phiên họp quan trọng.

Ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Đối với việc biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay tại khoản 3 Điều 19 của Dự thảo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM không thể tham dự trực tiếp tập trung tại Nhà Quốc hội mà phải họp trực tuyến tại trụ sở của đoàn. Khi đó phần mềm biểu quyết được cải đặt trên thiết bị di động của đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đó, tại phiên biểu quyết thông qua nội dung của kỳ họp, không thể tiến hành đồng nhất một hình thức biểu quyết đối với các vị đại biểu tại Nhà Quốc hội và đối với các đại biểu ở TPHCM.

Để bảo đảm tính pháp lý của hình thức biểu quyết này, một số đại biểu đề nghị nội quy hóa bằng cách quy định bổ sung hình thức biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, áp dụng hình thức này chỉ trong trường hợp bất khả kháng vì trên thực tế, việc áp dụng hình thức biểu quyết bằng giơ tay chỉ trong những trường hợp xác định vấn đề có sự đồng thuận cao.

Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần biểu quyết thống nhất bằng hình thức biểu quyết điện tử để xác định chính xác số lượng tán thành, không tán thành, không biểu quyết. Bên cạnh đó, việc sử dụng các hình thức biểu quyết khác nhau và mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau sẽ khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội. Do đó, việc sử dụng hình thức hỗn hợp này chỉ nên áp dụng trong một số trường hợp bất khả kháng để bảo đảm quyền được biểu quyết của đại biểu Quốc hội.

Kết luận nội dung tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia.

Nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội có tầm quan trọng then chốt đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng, tiến độ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 14 tháng 8/2022.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP