Lâu nay vẫn nghe đâu đó chuyện thành viên các đoàn thanh tra, trong đó có thanh tra xây dựng, môi trường vòi vĩnh, đòi chung chi ở nhiều nơi nhưng khi vụ việc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an lập biên bản, thành viên bị tạm giam tại tỉnh Vĩnh Phúc thì công luận mới thực sự xôn xao vì tính chất độc đáo, ly kỳ của nó.
Dư luận thật sự bị sốc bởi những người đi chống tham nhũng lại chính là những kẻ tham nhũng, đặc biệt trong đó có Trưởng đoàn Thanh tra, hiện giữ chức vụ Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng.
Cơ quan điều tra bắt quả tang ông Đặng Hải Anh, thành viên Đoàn thanh tra, nhận 90 triệu đồng. Cơ quan điều tra bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn Thanh tra, nhận 68 triệu đồng. cơ quan điều tra thu giữ 335 triệu đồng trong tủ do Nguyễn Thị Kim Anh quản lý khi khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường.
Sao cấp dưới nhận hối lộ mà Bộ trưởng chỉ lấy làm “đáng tiếc”? |
Thời buổi này, khi có nhiều tiền người ta không mua vàng, không gửi tiết kiệm thì cũng để vào tài khoản, chẳng ai dại gì kè kè bịch tiền ba bốn trăm triệu trong người. Không hiểu sao các trưởng đoàn thanh tra khi đi thanh tra lại mang theo nhiều tiền đến vậy?! Khi bị mất cắp hoặc bị cơ quan điều tra phát hiện dễ bị công luận đặt dấu hỏi đó có phải là những đồng tiền bất chính, vừa “thu hoạch” trong đợt thanh tra?
Khi trao đổi với phóng viên báo chí (chiều 13/6/2019), bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà bày tỏ: “Chúng tôi rất đáng tiếc có vụ việc này xảy ra.”
Từ “đáng tiếc” được dùng để bày tỏ trạng thái tình cảm trước một việc làm sơ suất, nhầm lẫn ngoài ý muốn nào đó, chứ trước hành động cố tình đòi chung chi, nhận hối lộ của các thành viên Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng; và tệ hơn, từ "đáng tiếc" không phù hợp với hành động tham nhũng, đòi chung chi của những quan chức được trao quyền công vụ đi chống tham nhũng.
Liệu Bộ trưởng Bộ Xây dựng có quá “nhân văn” với thuộc cấp của mình không?
Bộ trưởng khẳng định, trong những năm qua, Bộ luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra của Bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra theo quy định pháp luật. Chánh Thanh tra của Bộ ban hành nhiều quy chế làm việc của đoàn thanh tra, quy chế giám sát hoạt động của đoàn; những chỉ thị nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ.
Chỉ những chỉ thị, quy chế, quy định, đạo đức công vụ đó liệu có biện minh được trách nhiệm khi thuộc cấp phạm trọng tội?
Với vô số những chỉ thị, quy chế, quy định mang tính hình thức nhiều hơn là thực chất đó liệu có hiệu lực, tác dụng gì khi nhìn vào thực tế quy hoạch đô thị trên cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài và cho đến nay vẫn bị băm nát, làm cho cuộc sống của người dân hai đô thị này vô cùng khố khổ, ngột ngạt?
Những quy chế, quy định đó có biện minh được thực tế biết bao công trình được xây dựng sai phép mà không bị phát hiện và xử lý, hoặc được phát hiện mà không xử lý, hoặc xử lý qua loa, lấy lệ?
Sự kiên quyết của Bộ Xây dựng trong chống tiêu cực, chống tham nhũng không nên chỉ dừng lại ở các chỉ thị, quy chế, quy định. Hi vọng rằng, Bộ Xây dựng sẽ nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa sai lầm khuyết điểm, tránh tình trạng kỷ cương phép nước bị buông lỏng; không để tình trạng như vụ đoàn thanh tra ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Khi kỷ cương phép nước còn bị buông lỏng; khi tình trạng vòi vĩnh đòi chung chi, tham nhũng phổ biến ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực như hiện nay, người lãnh đạo muốn chống tham nhũng thành công vừa phải có “bàn tay sắt” vừa phải có “bàn tay sạch”. Nếu không có được điều đó thì không bao giờ chống được tham nhũng, mọi thứ chỉ dừng lại ở văn bản và lời nói mà thôi.
Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng việc gây tê tủy sống trong mổ lấy thai
Tác giả: Nguyễn Huy Viện
Nguồn tin: Báo VietNamNet