Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo đã được thực hiện trong một thời gian dài. Trong đó, Nghị quyết đã chỉ ra rằng: “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp…”.
Vấn đề này Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận rằng: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng…”.
Để thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, yếu tố đầu tiên phải đổi mới lại đội ngũ cán bộ quản lí và nhà giáo.
Ảnh minh họa của Báo Tuổi trẻ.
Bày tỏ quan điểm này, ông Phạm Huy Đức, nguyên Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An tâm sự, câu chuyện đổi mới giáo dục mà trước hết là đổi mới đội ngũ thì ai cũng biết, nhưng đổi mới như thế nào mới là quan trọng. Bởi không thể nói đêm đội ngũ hiện có ném ra ngoài biển và đưa một đội ngũ khác vào?
“Cũng vẫn là đội ngũ hiện tại nhưng cách đổi mới phải như thế nào, đó mới là cái cần bàn. Ví dụ tỉnh Nghệ An có 50.000 giáo viên, đổi mới đội ngũ thì cũng không bỏ đi được, vậy đổi mới đội ngũ này như thế nào?” ông Phạm Huy Đức đặt câu hỏi.
Theo chia sẻ từ kinh nghiệm của ông Đức, để đảm bảo chất lượng của đội ngũ quản lí giaó dục như ở Sở thì những người ra trường 10 năm cũng chưa được lấy lên. “Như thời kỳ của tôi làm ở Sở những người muốn lên sở làm quản lí phải trên 10 năm kinh nghiệm dạy học mới được lấy. Nhưng tôi thấy ngay như ở Bộ thậm chí mới tốt nghiệp Đại học xong là được vào làm ngay.
Chính vì thế nên mới có chuyện hỏi tới giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non đối với những người này thì không biết gì. Nhưng bây giờ làm sao để đổi mới, tôi nghĩ chỉ còn cách là bồi dưỡng họ mà thôi” ông Đức nêu quan điểm.
Ông Phạm Huy Đức cũng cho rằng, đổi mới giáo dục một trong những đổi mới phải được xem như cốt yếu là đổi mới đội ngũ. Đội ngũ trong giáo dục có hai bộ phận mà theo ông Đức đó là cán bộ quản lí ở các cơ quan quản lí giáo dục (Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT) và đội ngũ ở các nhà trường.
Nói là đổi mới đội ngũ thì không thể bỏ một đội ngũ nào, nếu giả thiết bỏ đội ngũ cũ đi để thay thế đội ngũ mới thì không thể có trong lúc này. Và theo ông Phạm Huy Đức cần phải có từng bước thực hiện.
Thứ nhất và rà soát lại đội ngũ đối với các cơ quan như Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT, phải làm theo hướng rà soát lại đội ngũ quản lí theo từng vị trí việc làm, nếu như chỗ nào được thì tiếp tục làm việc, nếu chỗ nào chưa được phải cho đi bồi dưỡng thêm.
“Một loại đội ngũ với khả năng không bồi dưỡng được thì phải cho chuyển việc, nhưng phải làm với một tư tưởng kiên quyết, không thiên vị và người đứng đầu phải giám chịu trách nhiệm mới làm được. Còn không sẽ bị sức ép từ nhiều phía và không làm được đâu.
Tôi cũng có thời kỳ phải làm đổi mới đội ngũ giáo viên của tỉnh, tôi gặp trường hợp khó xử, đó là con của một vị phó chủ tịch huyện phụ trách giáo dục vùng cao không đạt yêu cầu, phải đưa ra ngoài “dây truyền”. Bố của người giáo viên này có đặt vấn đề, con ông không đi dạy được ông đồng tình cho ra khỏi dây truyền dạy học, nhưng cũng muốn các thầy bố trí cho việc khác hợp lí.
Điều này chúng tôi rất hoan nghênh và rất cảm động. Còn nếu vị phó chủ tịch huyện đó mà dùng áp lực thì có lẽ sẽ không thực hiện được. Nhưng thực tế thì được bao nhiêu người như vậy? Do đó tôi mới nói người đứng đầu phải rà soát và làm dứt điểm, phải làm sớm, chỉ cố gắng trong cùng 1 đến 2 năm phải làm xong” ông Đức cho biết.
Đối với đội ngũ quản lí các trường học và đội ngũ giáo viên, việc đổi mới cũng như phương pháp đối với cán bộ quản lí. Phải rà soát lại vị trí công việc, được thì tiếp tục làm, không được thì bồi dưỡng hoặc chuyển việc.
Với đội ngũ giáo viên cũng cần xem lại, tập trung vào những người mà chưa đạt yêu cầu, nếu như số chưa đạt yêu cầu mà gần tới tuổi về hưu thì nên cho về hưu sớm. Còn với giáo viên có nhiều năm công tác mà chưa về hưu thì tiếp tục bồi dưỡng thêm, và dứt khoát không cho dạy ép.
Những đối tượng còn 1-2 năm về hưu mà không đạt yêu cầu thì có thể cho nghỉ chờ hưu. Với giáo viên không thể bồi dưỡng được thì có thể chuyển sang làm công tác hành chính.
“Quan trọng nhất cấp ủy và chính quyền phải vào cuộc, phải chỉ đạo ngành giáo dục làm bằng được những việc đó, nếu các cấp này không đồng tình làm thì chính từ họ dẫn đến nhiều tiêu cực. Nghiêm cấm ngay trong cơ quản của mình không được can thiệp khi có đợt rà soát” ông Phạm Huy Đức nhấn mạnh.
Cũng theo quan điểm của ông Phạm Huy Đức, đội ngũ các cấp quản lí cần làm trước. “Tôi cho rằng cán bộ quản lí giáo dục hiện nay đang gặp phải vấn đề về năng lực quản lí. Bởi những tiêu cực, tai tiếng xảy ra cũng chính ở những đội ngũ này. Khi rà soát chúng ta cũng cần phải chú ý tới cả năng lực và nhân cách của từng người” ông Phạm Huy Đức cho biết.
Tác giả bài viết: Phương Thảo