Hôm 12-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong thế hệ gần đây” khi số người tử vong vì dịch ở nước này đã lên con số 12, bao gồm hai người ở nước ngoài, theo hãng tin Reuters.
Nhà lãnh đạo Anh công bố nhiều biện pháp mới để làm chậm sự lây lan của virus gây dịch COVID-19, trong đó khuyến cáo những ai có triệu chứng nên ở trong nhà ít nhất bảy ngày. Việc xét nghiệm sẽ bị hạn chế và chỉ ưu tiên cho người đã nhập viện với các triệu chứng nặng.
Ông Johnson lập luận nếu có thể đẩy đỉnh dịch COVID-19 ra xa thêm khoảng 20%, sẽ có nhiều giường hơn cho người bệnh, nhiều thời gian hơn cho các nghiên cứu y tế và xã hội sẽ đối phó tốt hơn. “Trì hoãn đỉnh dịch là cách chúng ta có thể giảm bớt tác động của dịch bệnh” - ông Johnson lập luận.
Dù vậy, trên thực tế, tạp chí Wired cho rằng những lãnh đạo chống dịch dưới quyền của Thủ tướng Johnson lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác về phòng, chống dịch. Đó là thả nổi đỉnh dịch trong nước và xây dựng miễn nhiễm cộng đồng đối với virus.
Thả nổi đỉnh dịch là gì?
Theo Wired, hôm 11-3, ông David Halper, một thành viên thuộc Nhóm cố vấn khoa học cho các tình huống khẩn cấp thuộc chính phủ Anh, tuyên bố chiến lược cho tình hình dịch hiện tại là chủ động để virus lây lan trên diện rộng đến khi đủ người nhiễm sẽ tự hình thành cơ chế miễn nhiễm cộng đồng và chặn đứng virus, hay còn gọi là thả nổi đỉnh dịch. Song song với quá trình này là các cơ quan y tế sẽ triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ những nhóm có nguy cơ tử vong cao như người cao tuổi để virus chỉ lây lan trong những nhóm đủ sức khỏe hình thành kháng thể.
“Đến khi không còn ai có thể nhiễm bệnh được nữa, sẽ không có thêm ca nhiễm mới và chúng ta coi như đã đánh bại được dịch” - ông Halper cho biết.
Trong tương lai gần vẫn không rõ chính phủ Anh sẽ áp dụng biện pháp nào trong dài hạn để hạn chế ảnh hưởng của COVID-19. Trước mắt, London đang bị chỉ trích vì vẫn chưa đưa ra các biện pháp mạnh tay, chẳng hạn đóng cửa trường học. Trong số những người bày tỏ quan ngại này có cựu bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt.
Nhân viên y tế đang di chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở TP Brighton, Anh ngày 13-3. Ảnh: AFP |
Ngoài ra, trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào áp dụng chiến lược này và biện pháp ngừa dịch phổ biến nhất vẫn là cách ly, phong tỏa trên diện rộng các khu vực bị ảnh hưởng, điển hình như Trung Quốc (TQ) và Hàn Quốc.
Ở châu Âu, Ý là nước được cho là đang tiến hành thả nổi đỉnh dịch một phần và có giới hạn nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Giới chức Pháp cũng tránh lệnh phong tỏa quy mô lớn như ở Ý do lo ngại kinh tế thiệt hại nặng. Đức, nơi số người nhiễm đã vượt mốc 3.000 người, cũng chưa áp lệnh bắt buộc hủy hoặc hoãn các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc, mà chỉ dừng lại ở mức kêu gọi.
Tính đến 20 giờ 30 ngày 13-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia TQ cho biết toàn thế giới có 5.052 người tử vong do COVID-19, 134.497 ca nhiễm và 70.172 ca điều trị thành công âm tính với virus. Đại dịch COVID-19 hiện đã lan ra 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Kết quả không đáng kể, nguy cơ cao
Trên thực tế, Wired khẳng định đây là một chiến lược quá nhiều rủi ro và nguy hiểm. Cụ thể, để đạt mức miễn nhiễm cộng đồng thì virus phải lây nhiễm ít nhất 50% dân số Anh, hơn 33 triệu người, để đảm bảo một ca nhiễm COVID-19 không thể lây cho nhiều hơn hai người bình thường. Hiện tỉ lệ tử vong của nước này vào khoảng 35,71% tính đến tối 13-3, tức để chiến lược thả nổi đỉnh dịch thành công thì giới chức London phải chấp nhận có thể hy sinh gần 12 triệu người.
Ngoài ra, việc thả cho virus lây lan tự do cũng sẽ đặt một gánh nặng cực kỳ lớn cho hệ thống y tế Anh trong các vấn đề như số lượng giường bệnh và khả năng giữ an toàn cho các nhóm có nguy cơ cao.
“Tôi nghĩ rằng chỉ cần cách ly tập trung và phong tỏa diện rộng cũng đã đủ chặn đứng virus trước khi dịch lây hơn 50% dân số Anh rồi như thành công không thể chối cãi ở Hàn Quốc và TQ. Thậm chí việc để dịch hoành hành trong gần một tháng tiếp theo đã là một đề nghị không thể chấp nhận được. Chúng ta không cần thiết phải làm thế khi hệ thống giám sát và cách ly của Anh đang hoạt động hiệu quả” - GS Jeremy Rossman thuộc ĐH Kent (Anh) nhận định.
Đồng quan điểm, TS Brandon Brown thuộc ĐH California (Mỹ) cũng cho rằng hệ thống y tế của một nước sẽ phải đối diện với thách thức lớn khi nhiều người nhập viện cùng lúc khi dịch đạt đỉnh. Ông cho rằng mỗi quốc gia cần tính toán nguồn lực của mình hết sức thận trọng để đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn bệnh nhân.
Chuyên gia này cũng cảnh báo một nhược điểm khác của việc thả nổi đỉnh dịch là bên cạnh virus lây lan trong nước, chính phủ mỗi quốc gia cũng phải đề phòng khả năng COVID-19 tràn ngược từ bên ngoài, làm gia tăng tổng số ca nhiễm.
“Nếu thực hiện các biện pháp kiềm chế dịch, chúng ta sẽ kiểm soát được số người bị nhiễm. Khi đó các bệnh viện và phòng khám sẽ hoạt động dễ dàng hơn, vì không rơi vào tình trạng quá tải trong một khoảng thời gian ngắn” - chuyên gia nói, đồng thời ủng hộ các quốc gia siết chặt biện pháp chống dịch COVID-19.
Nhiều nước châu Âu đóng cửa trường học Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ ngày 13-3 (giờ Việt Nam) đã đồng loạt yêu cầu đóng cửa các trường học tại nước này trong bối cảnh dịch COVID-19 tại châu Âu đang lan nhanh, theo hãng tin Reuters. Tại Bỉ, chính phủ nước này đã ra lệnh các quán cà phê, nhà hàng và trường học tạm thời đóng cửa từ 0 giờ ngày 13-3 đến hết ngày 3-4. Chính phủ Bỉ khẳng định sẽ không có phong tỏa và cấm giao thương buôn bán. Các siêu thị và nhà thuốc vẫn sẽ mở cửa hoạt động trong thời gian này. “Chúng tôi muốn tránh giống như Ý và sẽ tránh chuyện phong tỏa” - Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cam kết. Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa thông báo đóng cửa tất cả trường học cho tới ngày 9-4. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới hơn 1,6 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc. Nhà chức trách nước này cũng ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung hơn 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở. |
Tác giả: VĨ CƯỜNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM