Trong tỉnh

Nâng cấp thủy lợi Bắc Nghệ An: 11 điểm nghẽn tại dự án 5.000 tỷ

Một dự án tầm cỡ với sự đồng hành của đối tác Nhật Bản tiềm năng hiển nhiên nhận được nhiều kỳ vọng lớn lao, tuy nhiên điều đó chỉ đúng về mặt lý thuyết.

Quá trình triển khai trên địa bàn huyện Đô Lương xuất hiện hàng loạt vấn đề. Ảnh: Việt Khánh.

Chưa tương xứng

Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (JICA 2) có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn JICA là 4.390 tỷ đồng.

Nhiệm vụ đặt ra là tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý và người hưởng lợi trong quá trình khai thác, vận hành. Từng bước nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo nhu cầu tưới cho 27.656 ha đất nông nghiệp.

Đồng thời tạo nguồn cấp nước cho 900.000 nhân khẩu thuộc các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Quá trình tìm hiểu, Ban quản lý trung ương các dự án thủy lợi (CPO) có chức năng điều phối chung. Tại Nghệ An, Sở NN-PTNT là chủ đầu tư Hợp phần 1.

Các đơn vị bắt tay thực hiện từ năm 2013, dự án triển khai theo dạng “cuốn chiếu” làm đến đâu sử dụng đến đó. Hiện nhiều hạng mục đã hoàn thành, tuy nhiên chất lượng công trình thực sự đáng quan ngại, rõ hơn cả là những gì đang xảy ra tại huyện Đô Lương.

Qua nắm bắt, công trình đi qua địa bàn 17 xã (chiếm trên 50% số xã) của huyện này với tổng chiều dài gần 40 km. Nhìn chung tiến độ thi công đã cơ bản hoàn tất, có chăng chỉ vướng mắc một phần nhỏ diện tích tại 2 xã Nhân Sơn và Mỹ Sơn.

Nhiều hộ ngang nhiên đục khoét lòng kênh để dẫn thẳng nước tưới vào ruộng. Ảnh: Việt Khánh.

Trao đổi với PV NNVN, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Trung Thành khẳng định: Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An là dự án thủy lợi trọng điểm nên khối lượng công việc rất lớn, dựa trên tình hình thực tế từng đơn vị sẽ được phân mảng, đảm đương từng nội dung cụ thể.

Về phía huyện chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giám sát, trên tinh thần đó thường xuyên chỉ đạo các phòng ban, chính quyền cấp xã bám sát chặt chẽ để kịp thời có hướng xử lý các vấn đề phát sinh ngay từ ban đầu.

Nhấn mạnh nhiều hạng mục công trình đã phát huy hiệu quả tức thì, đặc biệt là giảm tải gánh nặng nhu cầu cấp nước cho các loại cây trồng trong vùng hưởng lợi. Dù vậy ông Thành cũng thẳng thắn thừa nhận: “Quá trình thực hiện xuất hiện 11 điểm bất cập, điều này làm giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí có những điểm không phát huy tác dụng”.

Nhan nhản mối lo

Ghi nhận tại xã Hòa Sơn, lòng mương vùng Đồng Tròi, Yên Lý thiết kế quá nhỏ hẹp, vị trí đặt thấp, thành thử có những điểm nước chảy tràn lênh láng qua 2 bên thành mương, ngược lại nhiều điểm cuối kênh thường xuyên đối mặt với thực trạng khô khát đến cùng cực.

Nóng không kém là vấn đề tại xã Đông Sơn, việc áp dụng thiết kế mương nổi đã tạo ra độ dốc quá lớn, điều này vô hình chung khiến quá trình đi lại của người dân tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, Ban Quản lý dự án NN-PTNT (NAPMU) đã chỉ đạo nhà thầu đổ cấp, phối đá dăm tạo độ dốc 4,5% để đắp bổ sung. Dù vậy phương án chữa cháy không nhận được sự tán thành, bằng chứng trước sau địa phương yêu cầu phải đào, hạ cầu xuống để làm xi phông.

PV NNVN mục sở thị hệ thống kênh dẫn của dự án thủy lợi hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Trong khi đó tại xóm 1, xã Thịnh Sơn lại xảy ra câu chuyện dở khóc dở cười, số là trong quá trình làm đơn vị thi công đã “tranh thủ” khoét sâu ngay tại tuyến đường dân sinh để lấy đất phục vụ công trình. Sự tắc trách nói trên báo hại cả trăm hộ dân phải trầy trật vì chuyện không đâu.

Chưa dừng lại, tại hạng mục kênh trạm 3, thuộc địa phận xã Thái Sơn phát hiện có 3 vị trí bị bong tróc, hỏng đáy kênh; hay như việc thi công tuyến kênh xóm Quang Minh, xã Minh Sơn không tính toán đến yếu tố tiêu úng kéo theo một số vùng không thể tiêu thoát nước…

Nhằm hạn chế tối đa lãng phí và mức độ rủi ro, UBND huyện Đô Lương đã nhiều lần phát công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công hạng mục công trình thuộc dự án JICA sớm khắc phục những vấn đề tồn tại. Dù có sự vào cuộc của các bên, tuy nhiên công tác xử lý nhìn chung chỉ ở mức tương đối.

Cần nhắc lại, dự án này tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng, đồng nghĩa các nội dung liên đới cũng phải đảm bảo tương xứng. Lý thuyết là vậy, còn trên thực tế mọi thứ lại hoàn toàn khác xa.

Nhân chuyện này, xin được đề cập đến quy trình vận hành của dự án “khủng”. Theo kế hoạch, muốn phát huy tối đa tiềm năng của hệ thông trang thiết bị hiện đại, tiên tiến bậc nhất chắc chắn không thể duy trì theo cách thức cũ với đội ngũ con người cũ: “Hệ thống mới vừa tăng hiệu quả lại giải phóng sức người, mỗi trạm bơm chỉ cần 1 cán bộ chuyên trách đảm đương là đủ. Dù vậy đội ngũ này phải được tập huấn thực tế, phải nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được giải quyết”, Phó Chủ tịch huyện Đô Lương Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Một dự án tầm cỡ nhưng động đâu vướng đấy, hiển nhiên phải có nguyên do. Qua ghi nhận, sâu xa bắt nguồn từ sự bất nhất về mặt quan điểm của các bên.

Theo lời một số người trong cuộc, dù triển khai tại địa điểm với những yếu tố hoàn toàn khác biệt nhưng phía Nhật Bản lại khăng khăng khảo sát, áp dụng theo đúng nguyên lý, quy chuẩn như những công trình đã được áp dụng tại đất nước họ.

Không đồng điệu về địa hình, địa chất, thành thử khi bê nguyên cách thức chẳng khác “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Bởi thế mới có chuyện khi đặt máy đo đạc, khảo sát thì mọi việc tiến triển ngon ơ, đến khi vận hành thì nguồn nước phân bổ không đồng đều chỗ có chỗ không, chỗ cạn chỗ vơi.

Lòng kênh quá hẹp khiến hiệu quả không đạt như kế hoạch. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Thái Ngô Danh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Yên Sơn nói thẳng: “Một số lòng kênh chủ lực đòi hỏi tiết diện lớn nhưng diện tích thiết kế không đảm bảo, điều này khiến lượng nước tưới dẫn về bị thiếu hụt trầm trọng, nhất là vào mùa hạn.

Riêng tuyến đập tại Yên Sơn đáp ứng quy mô 220ha, trước nay phụ thuộc vào 2 tuyến kênh chính, để đảm bảo công tác tưới tiêu chí ít chiều rộng lòng mương phải đạt tối thiểu 1m, thế nhưng thực tế chỉ đạt khoảng ½, tương đương 50cm.

Vụ hè thu năm nay phải tích cực túc trực, ròng rã nguyên cả tháng trời hì hục bơm mới đủ lượng nước cần thiết, trong khi đúng ra chỉ cần 10 - 15 ngày. Nước về chậm kéo theo tiến độ làm đất chậm, cây trồng chắc chắn sẽ ảnh hưởng trầm trọng”.

Lập luận trên có cơ sở, tuy nhiên nếu gắn hết trách nhiệm cho đối tác Nhật Bản là không thỏa đáng. Trong vụ việc này, “dấu ấn” của Ban Quản lý dự án NN-PTNT (NAPMU, thuộc Sở NN-PTNT Nghệ An), đơn vị tư vấn thiết kế (Liên danh Tư vấn SCI-HECII) và chính quyền địa phương rất rõ ràng.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP