Giáo dục

Lớp học đặc biệt của "mẹ Lý"

Dùng đôi bàn tay để di chuyển tới từng bàn học thay đôi chân, nhưng nhiều năm qua, lớp học của cô giáo tật nguyền Phạm Thị Lý ở Hưng Yên luôn tràn ngập tiếng cười nói.

Từ ước mơ dở dang...

Nói đến cô giáo Phạm Thị Lý, người dân thôn Đỗ Xá, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên không ai không biết.

Dù bị liệt 2 chân nhưng bằng tình yêu nghề và ước mơ giúp đỡ các học trò nghèo vươn lên học tốt, chị Lý đã không quản ngại vất vả, tự học ở nhà, trau dồi kiến thức và mở lớp dạy miễn phí cho các em học sinh.

So với những bạn bè cùng trang lứa, từ bé Phạm Thị Lý đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn bởi mất đi tình thương yêu của cha sau một lần ông bị cảm. Từ đó, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai mẹ của Lý, thấu hiểu điều đó nên 3 chị em đã bảo bạn nhau chăm chỉ học tập. Trong đó, em út Phạm Thị Lý luôn là học sinh giỏi các cấp và ấp ủ giấc mơ trở thành cô giáo.

Cô giáo Phạm Thị Lý - Ảnh: Công an nhân dân

Mong ước là vậy, thế nhưng, may mắn đã không mỉm cười với Lý khi cô gái nhỏ liên tục vấp phải những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Trượt đại học, mẹ mất sau một tai nạn. Những tưởng những bất hạnh, đau khổ cũng chỉ dừng lại ở cái ngày mẹ của Lý rời bỏ 3 anh em để về với bố, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi mẹ mất, căn bệnh tim bẩm sinh của Lý tái phát khiến cô phải nhập viện cấp cứu. Trải qua ca phẫu thuật tim, chị bị ảnh hưởng di chứng, hai chân teo lại không đi được và trở thành người khuyết tật vĩnh viễn.

Từ một cơ thể lành lặn, có thể tự do đi khắp nơi, giờ lại phải sống dựa vào một chiếc xe lăn khiến cho Lý không khỏi tủi thân và sống khép mình.

Chứng kiến em gái chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, người thân trong nhà, đặc biệt là chị gái và anh trai đã cố gắng tìm mọi cách giúp Lý điều trị đôi chân. Thế nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả khi đôi chân của cô ngày càng không còn cảm giác.

Đến lớp học đặc biệt

Mơ ước được đứng trên bục giảng tưởng chừng như đã khép lại với cô gái trẻ, thế nhưng thẳm sâu trong trái tim người con gái đó vẫn còn ngọn lửa đam mê cháy bỏng với sách vở, với ước mơ được làm cô giáo.

Từ ngày gặp cơn bạo bệnh, lý làm bạn với sách vở nhiều hơn, cô tìm được niềm vui ở những cuốn sách yêu thích. Thấy em ham học, người chị họ đã gửi con gái của mình khi ấy đang học lớp 1, nhờ Lý dạy kèm. Dưới sự hướng dẫn của Lý, cô bé tiến bộ rõ rệt, kết thúc năm học là một trong những học sinh học giỏi nhất lớp.

Và thế là hành trình thực hiện ước mơ trở thành cô giáo dạy học miễn phí cho học sinh nghèo hiếu học của Lý bắt đầu. Cứ tối tối, con ngõ nhỏ dẫn vào nhà chị Lý lại rộn rã tiếng nói cười của những đứa trẻ.

Lớp học đặc biệt của "mẹ Lý" - Ảnh: Công an nhân dân

Chia sẻ với Lao động Thủ đô chị Phạm Thị Lý cho biết: "Mình làm công việc kèm cặp các em học sinh đã được gần chục năm. Sau đợt mình bị di chứng sau đợt phẫu thuật tim khiến chân bị liệt, những ngày ở nhà rảnh rỗi, mình kèm một bé vừa vào lớp 1 của người quen. Sự tiến bộ của bé sau những buổi học với mình đã khiến nhiều người trong làng, trong xã dẫn con cháu đến nhờ mình dạy hộ".

Lớp của chị chủ yếu các học sinh có độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Với những em chuẩn bị vào lớp 1, chị thường dẫn luyện chữ, tập đọc. Còn với những bé lớn hơn thì chị dạy kiến thức cơ bản và giải đáp các thắc mắc của các em khi làm bài.

Là người mẹ của 2 con được cô lý dạy kèm, chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ với báo Hưng Yên: "Cô Lý là tấm gương cho mọi người về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cô rất tốt bụng, nhờ sự dạy dỗ của cô mà cái con chúng tôi thêm tiến bộ.”

Ban đầu lớp học tình thương chỉ một vài em theo học nhưng tính đến thời điểm hiện tại số học sinh đã lên tới hàng trăm em. Để đảm bảo điều kiện học tập cho các em, cô Lý đã phân chia thành các ca học để từ đó có thể quan tâm, chỉ bảo các em nhiều hơn.

Cụ thể, những học sinh học ở trường buổi sáng, cô Lý sẽ kèm ở lớp học tình thương vào buổi chiều và ngược lại. Lớp học của cô giáo Lý bắt đầu từ 7h - 10h và 13h - 15h. Tận dụng chiếc máy tính của nhà hảo tâm tặng cho lớp học tình thương, cô giáo Lý lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Còn những buổi cuối tuần cô giáo Lý kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp...

Các em học sinh trong lớp học của mình có nhiều độ tuổi khác nhau nhưng vẫn được cô giáo Lý xây dựng kế hoạch giảng dạy hợp lý để quá trình học tập của các em ở lớp, ở trường không bị gián đoạn. Cô thường xuyên liên hệ với các thầy cô giáo đang dạy học, hỏi thăm về những học sinh của mình đã kèm cặp ở nhà, dõi theo từng bước tiến bộ học văn hóa của các em trên lớp. Những điểm cần uốn nắn, những gì cần lưu ý, cần phải bổ sung…

Dù không có công việc ổn định, hàng tháng vẫn phải dùng thuốc để duy trì huyết áp ở mức ổn định nhưng khi các phụ huynh ngỏ ý gửi tiền học phí, cô Lý kiên quyết không nhận.

Chính vì tình yêu thương vô bờ bến của cô giáo Phạm Thị Lý dành cho học sinh của mình mà phần lớn các em nhỏ đều gọi chị với cái tên thân thương như "mẹ Lý".

Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, cô Lý đã không đầu hàng số phận mà kiên trì viết tiếp ước mơ của mình. Lớp học nhỏ của cô gái trẻ đã chắp cánh ước mơ cho con trẻ. Điều quan trọng nhất các em thu nhận được ở lớp học của "mẹ Lý" không chỉ là kiến thức mà còn là nghị lực, sự kiên trì, niềm tin và tình yêu cuộc sống trước khó khăn, thách thức.

Tác giả: Quỳnh Chi

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP