Dư luận thời gian qua không khỏi xôn xao trước việc CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thuộc Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết nợ nần khiến "chủ nợ" đã phát vài chục văn bản hối thúc, đòi tiền dịch vụ thu hộ nhưng hãng này không… trả.
Cụ thể, như Người Đưa Tin Pháp luật đã thông tin Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay (VATM), Công ty cổ phần mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Công ty cổ phần mặt đất Hà Nội (HGS)... gửi nhiều văn bản thúc nợ Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) trong tháng 2, tháng 3 và đầu tháng 4.
Các chủ nợ cũng đồng thời gửi báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình hình công nợ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 mà hãng hàng không tư nhân này chưa chịu thanh toán.
Đại diện VATM cho biết, từ tháng 6/2019 đến nay, Bamboo Airways thường xuyên chậm trả các khoản thu hộ dịch vụ cung cấp bay với thời hạn 20 ngày trở lên. Hiện tại, Bamboo Airways còn nợ các hóa đơn từ tháng 12/2019 và 2 tháng đầu 2020 với số nợ là 38,6 tỷ đồng.
Theo đại diện VATM, đơn vị đã yêu cầu hãng Bamboo Airways phải thanh toán công nợ điều hành các chuyến bay còn lại ở trên tại thời điểm hết tháng 3 năm nay.
"Nếu trả được nợ thì sẽ được giãn thời gian cung cấp dịch vụ điều hành bay từ tháng 3 trở đi thêm 3 tháng. Nếu không, để tránh thất thu, VATM sẽ trực tiếp thu tiền dịch vụ từng chuyến tại sân bay khởi hành từ đầu tháng 4 cho đến khi hãng thanh toán số công nợ kể trên", đại diện VATM cho hay.
Cũng bị Bamboo Airways nợ kéo dài và đòi mãi không trả, ACV nhiều lần gửi văn bản nhắc nợ với tổng số nợ lên đến hơn 205 tỷ đồng. Trong đó, số nợ quá hạn của Bamboo Airways là hơn 178,7 tỷ đồng và 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả, 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.
Trước thông tin này, tối 7/5, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways đã phản bác trên trang Facebook cá nhân.
Ông Trịnh Văn Quyết, đã phản bác thông tin Bamboo Airways nợ như "chúa chổm" trên trang Facebook cá nhân. |
Ông Quyết khẳng định đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã thanh toán toàn bộ công nợ cho hợp đồng năm 2019 (bao gồm cả các khoản phí thu hộ là phí phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh) với ACV.
Đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020, Chủ tịch FLC cho biết Bamboo Airways đã đạt được thỏa thuận với ACV, để làm cơ sở cho việc thanh toán công nợ trong giai đoạn đầu năm 2020, bất chấp bối cảnh chung của các hãng hàng không từ đầu năm đến nay vẫn đang rất khó khăn do đại dịch.
Ông chủ Bamboo Airways cũng trần tình, trong báo cáo tài chính quý I/2020 của ACV, thì khoản phải thu tính đến tháng 3/2020 của ACV đối với Bamboo Airways là nhỏ nhất trong top 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Con số nợ ACV của hai hãng lớn còn lại đều gấp gần 3 lần hãng hàng không của ông Quyết.
Khoản phải thu tính đến tháng 3/2020 của ACV |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của ACV, tại ngày 31/3, ACV đang phải thu Vietjet Air hơn 735 tỷ đồng, Vietnam Airlines 700 tỷ đồng, Bamboo Airways 269 tỷ đồng, Jetstar Pacific 167 tỷ đồng.
Tuy nhiên cũng cần chỉ ra quy mô hoạt động của các hãng hàng không này là không giống nhau. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong quý I, Vietjet Air khai thác 29.491 chuyến bay, Vietnam Airlines đứng thứ hai với 27.332 chuyến, Bamboo Airways 11.045 chuyến, Jetstar Pacific và Vasco khai thác tổng cộng 9.662 chuyến.
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn