Giáo dục

Chưa nguôi nỗi bất an, giáo viên hợp đồng "căng thẳng" chờ xét tuyển

Không chỉ có những giáo viên bị “cắt” hợp đồng trước kỳ tuyển viên chức mới lo lắng về số phận nghề “rèn chữ, rèn người”, có những giáo viên tham gia thi tuyển đang “đỗ” lại “trượt”, càng không khỏi bất an, hoang mang.

Trăn trở hợp đồng bị “cắt” trước kỳ xét tuyển

Sau nhiều ngày “kêu cứu” cùng đồng nghiệp, thầy giáo Nguyễn Viết Tiến, từng là giáo viên hợp đồng dạy Toán tại trường THCS Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội vừa nhận được văn bản của bộ Nội vụ, với nội dung chuyển đơn đề nghị xét đặc cách đối với giáo viên hợp đồng đến UBND TP.Hà Nội để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 10/12, sở Nội vụ Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo các phòng GD&ĐT, Nội vụ rà soát chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng năm học 2019-2020. Trên cơ sở đó, sở Nội vụ sẽ cùng các cơ quan liên quan xây dựng các phương án tuyển dụng và báo cáo xin ý kiến bộ Nội vụ, xin ý kiến UBND TP.Hà Nội để thực hiện chỉ đạo của bộ Nội vụ.

Thời gian giải quyết khiếu nại (nếu có) từ ngày 6/12 đến 15/12; chậm nhất ngày 20/12 sẽ thông báo kết quả sát hạch. Đối với cả hai hình thức tuyển dụng, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thiện hồ sơ của các thí sinh trúng tuyển và hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng làm việc với thí sinh trúng tuyển từ ngày 21/12/2019 đến tháng 1/2020.

Bên cạnh đó, Hà Nội cam kết sẽ bổ sung đủ chỉ tiêu biên chế để triển khai thực hiện tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại công văn số 9028-CV/VPTƯ ngày 11/3-2019; của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5-6-2019; của bộ Nội vụ tại văn bản số 5378/ BNV-CCVC ngày 5/11/2019 đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Nhiều giáo viên đã đấu tranh nhiều tháng trời bỗng dưng bị chấm dứt hợp đồng trước kỳ tuyển viên chức. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, vấn đề khiến thầy Nguyễn Viết Tiến vẫn chưa hết trăn trở, đó là hàng trăm giáo viên tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây, vốn được ký hợp đồng năm một đều đặn, “đột ngột” bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn kỳ thi tuyển viên chức diễn ra. Điều đó đồng nghĩa với việc, không ít giáo viên sau gần 20 năm cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục bỗng dưng… thất nghiệp.

Thầy Tiến bày tỏ băn khoăn: “Giáo viên hợp đồng chúng tôi đã có hàng chục năm tận tâm, dốc sức vì học trò, vẫn được ký hợp đồng đều đặn năm một, bỗng dưng bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/8/2019. Trong khi, chúng tôi vẫn kiên trì “đấu tranh” để được xét tuyển đặc cách suốt nhiều tháng qua, đến bây giờ, khi Bộ Chính trị cho phép xét tuyển thì chúng tôi lại không còn được ký hợp đồng.

Vậy, chúng tôi có được xét tuyển đặc cách hay không?!

Hiện giờ, bộ Nội vụ giao về cho UBND TP.Hà Nội để xem xét, giải quyết, tôi chỉ mong, có sự xem xét thỏa đáng, quyết định sáng suốt từ các cấp lãnh đạo để những giáo viên như chúng tôi không phải chịu thiệt thòi”.

Hoang mang vì đang “đỗ” lại thành “trượt”

Đó là câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Hoa, thi tuyển vào vị trí giáo viên Tin học, trường tiểu học Trung Châu B, huyện Đan Phượng.

Cụ thể, trong kỳ thi tuyển viên chức vừa qua, trường tiểu học Trung Châu B, huyện Đan Phượng có nhiều thí sinh cùng thi tuyển vị trí giáo viên Tin học.

Ngày 24/11, kết quả ban đầu của cô Nguyễn Thị Hoa đạt 60,5 diểm, còn một thí sinh khác tên Nguyễn Thị Huyền đạt 57,0 điểm. Theo kết quả này, cô Hoa đáng lẽ đã “trúng tuyển”, trở thành giáo viên Tin học chính thức tại trường.

Tuy nhiên, thí sinh Nguyễn Thị Huyền đã nộp đơn phúc khảo, sau khi có kết quả trả về vào ngày 12/12, đạt 61,5 điểm (tăng 4,5 điểm so với điểm lần 1).

“Và theo quy định, chỉ khi chênh từ trên 5 điểm so với điểm lần 1 thì mới có sự đối chiếu giữa nhiều giám khảo…

Nhưng tôi chỉ có một thắc mắc, đó là, hội đồng phúc khảo vì sao không công bố trước thời hạn “chốt”, hoặc ít nhất cũng cho tôi có thêm thời gian để được phúc khảo lại. Bởi vì, ban đầu điểm của tôi đang cao nhất, tôi đâu nghĩ đến chuyện sẽ phúc khảo. Nhưng sau khi thí sinh Huyền phúc khảo, cao hơn tôi 1 điểm, thành ra tôi bị trượt.

Tôi cũng muốn được phúc khảo, nếu bài tôi được hơn thì tôi vẫn còn cơ hội đỗ. Nhưng thời điểm công bố điểm phúc khảo của thí sinh đó cũng là thời điểm sát hạch bài thi đã khép lại, tôi hoàn toàn không có cơ hội nào để so lại… Điều đó có phải hơi vô lý hay không?!”, cô Nguyễn Thị Hoa trình bày.

Điểm lần 1.

Điểm phúc khảo.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng có rất nhiều thầy cô “dở khóc, dở cười” vì đạt điểm cao mà vẫn trượt, trong khi đó các trường khác, huyện khác điểm thấp hơn mà vẫn đỗ. Chẳng hạn, tại trường tiểu học Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, cô giáo Nguyễn Thị Hương đạt 79 điểm nhưng vẫn không đỗ vì đã có người đạt điểm cao hơn. Trong khi, nhiều trường khác trong huyện Phúc Thọ chỉ lấy điểm trúng tuyển từ 59-60 điểm.

Nhiều thầy cô cho rằng việc giao chỉ tiêu xuống từng trường đã nảy sinh sự mất công bằng cho kỳ thi tuyển, không chọn được người tài thực sự.

Theo đó, để tránh tình trạng bất cập này, các thầy cô cho rằng nên lấy chỉ tiêu trong toàn thành phố rồi xét điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. Như vậy mới tuyển chọn được hết người tài và không bỏ sót, bỏ phí nhân tài. Mà hơn hết, để không gây bất cập, người điểm thấp thì đỗ, người điểm cao vẫn trượt.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP