Trước đây, trong Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính thì hành vi thực hiện chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là hành vi bị cấm. Việc chưa có quy định pháp luật cụ thể về người đồng tính, người chuyển đổi giới tính đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng khi xử lý các vụ phạm tội liên quan đến người đồng tính, chuyển giới.
Như trường hợp của Nguyễn Văn Ri ở tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng đã bao phen vất vả vì giới tính của nghi can này trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
Ri bị Tòa án nhân dân huyện Núi Thành tuyên phạt bản án 15 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Trước đó, người đàn ông này cũng đã có 1 tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản. Mặc dù đã chuyển giới thành công, song trên thực tế giấy tờ vẫn mang tên Nguyễn Văn Ri và khi bị tuyên án, Trại tạm giam, Công an tỉnh Quảng Nam quyết định chuyển đối tượng đi thi hành án tại Trại giam An Điềm thuộc Bộ Công an.
Hồ sơ của Ri thể hiện giới tính là nam giới nhưng hình hài lại là phụ nữ gây khó khăn cho cán bộ quản giáo |
Phạm nhân này đã gây không ít phiền toái cho cán bộ quản giáo nơi đây vì trại giam chỉ giam giữ, cải tạo phạm nhân nam, không có phạm nhân nữ, trong khi hồ sơ của Ri tuy thể hiện giới tính là nam giới nhưng hình hài lại là phụ nữ nên chẳng biết giam giữ tại buồng giam nào.
Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thừa nhận người chuyển đổi giới. Tại Việt Nam, với nỗ lực tuyên truyền, giáo dục của Nhà nước và xã hội, mọi người đã có cái nhìn khách quan hơn, không còn thái độ kỳ thị những người chuyển giới. Pháp luật đã nhìn nhận quyền chuyển đổi giới tính như một quyền nhân thân của cá nhân tại Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015, quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật; Người chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định.
Đặc biệt, luật Thi hành hình sự 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 có thể coi là một bước tiến đối với những người đã chuyển đổi giới tính và “gỡ khó” cho cơ quan chức năng trong giam giữ những phạm nhân là người đồng tính, chuyển đổi giới tính.
Theo đó, những phạm nhân là người đồng tính, chuyển đổi giới tính hoặc chưa xác định rõ giới tính có thể được bố trí giam giữ riêng. Ngoài ra, việc giam giữ phạm nhân được thực hiện như sau: Căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân thì Giám thị trại giam sẽ quyết định phân loại, chuyển khu giam giữ; phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt.
Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt theo tuần, tháng, quý, 06 tháng và 01 năm; đảm bảo tính liên tục, khách quan, công bằng, công khai, dân chủ. Bên cạnh việc nhận quà trực tiếp từ thân nhân như trước đây, thì phạm nhân còn được phép nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính, nhưng không được quá 02 lần trong 01 tháng.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng đây là một quy định tiến bộ hướng tới việc bảo vệ những người đồng tính, chuyển giới, phần nào ngăn chặn tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục khi giam giữ cùng với nhóm người khác. Điều này cũng cho thấy pháp luật đã có sự thừa nhận đối với nhóm người đồng tính, chuyển giới và đảm bảo họ được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
“Tuy nhiên, đây cũng là quy định mới, trên thực tế sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, nhất là cơ sở để xác định giới tính của người bị giam giữ. Bởi lẽ, nếu chỉ dựa vào giới tính ghi trong giấy tờ tùy thân thì khó chứng minh được giới tính thật của họ. Vấn đề này, cần sớm có nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể”, vị Luật sư nói.
Tác giả: Trang Nhi
Nguồn tin: Báo Công lý