Pháp luật

Ông Vũ không đáp khi bị hỏi 'từ ngày cưới, anh có chuyển cho em đồng nào không'

Phiên tòa sáng nay sẽ tiếp tục vào buổi chiều sau khi phía ông Vũ không chứng minh được 2.100 tỷ đồng là tài sản chung.

Sau hơn ba tuần tạm hoãn, sáng nay, TAND TP HCM tiếp tục phân xử vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên, giữa nguyên đơn bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Ông Vũ có mặt tại tòa lúc 7h30, trong khi bà Thảo đến muộn hơn 30 phút. Mở đầu phiên làm việc, tòa công bố xác minh số tiền trong ngân hàng của bà Thảo. Số dư tài khoản bà Thảo tại ngân hàng Vietcombank và BIDV hiện không còn, trong khi Eximbank, đến ngày 16/3, còn 1,3 tỷ đồng.

Ông Vũ bức xúc khi phía bà Thảo đặt câu hỏi dồn dập trong phiên tòa sáng 27/3 tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.

Luật sư ông Vũ đặt câu hỏi số tiền hơn 2.100 tỷ đồng thuộc khoản chung, trong khi thời gian này, bên bà Thảo không có chi tiêu nào lớn cho gia đình và đây là tài khoản cá nhân nên chỉ có bà Thảo sử dụng.

Đại diện luật sư của bà Thảo sau đó cho biết yêu cầu phản tố của phía ông Vũ cản trở yêu cầu tố tụng của tòa, làm kéo dài phiên tòa. Ông Vũ không đưa ra được căn cứ xác lập tài sản chung nhưng vẫn đưa vào đòi chia.

Tuy nhiên, phía ông Vũ cho biết năm 2016 đã nộp đơn bổ sung xác định tài sản chung của vợ chồng và đó là căn cứ để đưa vào phân chia.

Bên bà Thảo cho rằng phía ông Vũ không đưa ra căn cứ chứng minh số tiền trong tài khoản của bà Thảo là tài sản chung nên yêu cầu ngừng phiên tòa để tìm thêm chứng cứ chứng minh.

Tòa hỏi ông Vũ: Ngân hàng có thông báo cho ông về số tiền hơn 2.100 tỷ đồng này không? Phía ông Vũ đáp "không" và cho hay bà Thảo không góp số tiền nào lớn vào Trung Nguyên từ 2015.

"Từ năm 2015, số tiền này bà Thảo làm gì?", tòa hỏi. Bên bà Thảo đáp số tiền này là bí mật cá nhân nên không công khai mục đích đã sử dụng.

"Số tiền nằm trong thời kỳ hôn nhân vậy bà Thảo có chứng cứ chứng minh là tài sản ngoài hôn nhân không?", tòa tiếp tục. Luật sư của bà Thảo cho biết đây không phải là tài sản chung của vợ chồng nên phía bà Thảo từ chối cung cấp đã sử dụng vào việc gì.

Bên bà Thảo đề nghị tòa dừng lại để phía ông Vũ chứng minh đây là tài sản chung và phải có căn cứ, giấy tờ cho đây là tiền của cả hai.

Viện kiểm sát chất vấn: Số tiền chính xác của vợ chồng là bao nhiêu, gồm những khoản nào?

Bê ông Vũ đã quy đổi tất cả tiền, vàng, ngoại tệ bằng tiền Việt là 2.102 tỷ đồng tính đến 19/3.

Trả lời thắc mắc vì sao yêu cầu chia theo tỉ lệ 7:3 của Viện kiểm sát, bên ông Vũ đưa lý do: Vì đây là tài sản chung và ông Vũ có đóng góp nhiều hơn.

Viện kiểm sát: "Bị đơn cần nêu rõ nguồn gốc số tiền này". "Đây là số tiền thu nhập từ việc kinh doanh của 2 vợ chồng trong 23 năm", bên ông Vũ đáp. Phía bà Thảo sau đó được hỏi có ý kiến gì với yêu cầu phản tố của ông Vũ. Đại diện của bà Thảo cho hay bên ông Vũ cần chứng minh được thời điểm tạo lập số tiền, và nguồn gốc số tiền từ đâu, phải có số liệu từ hoạt động kinh doanh, cổ tức công ty và số tiền này có phải từ cổ tức kinh doanh.

Khi được Viện kiểm sát hỏi "đây là tài sản riêng của bà Thảo?", bên bà Thảo nói rằng "không có nghĩa vụ trả lời về nguồn gốc số tiền".

"Bên nguyên đơn có chứng minh được số tiền này không nằm trong tài sản chung không? Nếu không đưa ra được chứng cứ chứng minh là tài sản riêng thì theo luật hôn nhân gia đình, nó là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và là tài sản chung", Viện kiểm sát lập luận.

Phía bà Thảo nói cần phải chứng minh được các công ty trả số tiền đó như tiền cổ tức cho bà Thảo với ông Vũ thì mới chứng minh được.

Cả ông Vũ và bà Thảo đều khẳng định "không có" khi Viện kiểm sát hỏi trước hôn nhân, bà Thảo có được tặng tài sản nào không.

Trả lời câu hỏi "có chuyển cho bà Ước, mẹ ông Vũ, 1.000 tỷ đồng không", phía bà Thảo cho biết không lấy số tiền này chuyển cho bà Ước và không sử dụng nó.

Chuyển sang chất vấn ngân hàng, Viện kiểm sát đặt câu hỏi: "Số vàng nêu trên là 10.000 chỉ hay 10.000 lượng". Đại diện ngân hàng Eximbank không trả lời được do không mang theo tài liệu.

Luật sư bà Thảo hỏi về yêu cầu phản tố với số tiền vàng, phía ông Vũ có xuất trình tài liệu chứng cứ nào để chứng minh nguồn gốc số tiền này không? Bên ông Vũ cho rằng nhiều năm trước đưa ra yêu cầu phản tố là đã tìm cách chứng minh số tiền trong tài sản. Bên bà Thảo hỏi ông Vũ dựa trên cơ sở nào khi cho rằng đó là tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Bà Thảo đâm đơn ly hôn tháng 11/2015, trong khi đó yêu cầu chứng minh số tiền trong tài khoản của bà từ tháng 12/2015. Vậy cơ sở nào nói đây là số tiền trong tài sản chung? Trước đó, phía ông Vũ rút yêu cầu khởi tố ngày 14/9/2017. Vậy lý do vì sao ông Vũ lại phản tố?

"Trước đó vì muốn giải quyết nhanh chóng vụ việc, nhưng sau đó rút lại", đại diện ông Vũ nói.

Bà Thảo đề nghị dừng tòa khi phía ông Vũ không có đủ căn cứ chứng minh 2.100 tỷ đồng là tài sản chung. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bên bà Thảo muốn biết tổng số siêu xe đứng tên Trung Nguyên và số tiền Trung Nguyên chi cho công tác xã hội là bao nhiêu. "Tiền mua siêu xe có phải tài sản chung của hai vợ chồng không?", phía bà Thảo hỏi và nhận câu trả lời "không phải tài sản chung của 2 vợ chồng" từ ông Vũ.

"Nếu tài sản thuộc về công ty thì tại sao không thuộc tài sản chung của vợ chồng?", bên bà Thảo thắc mắc.

Sau khi nghe đại diện bà Thảo hỏi dồn về vấn để này, ông Vũ bức xúc đứng lên nhưng được tòa đề nghị ngồi xuống. HĐXX tuyên bố kết thúc phần hỏi.

Bà thảo hỏi ông Vũ: "1. Anh muốn chia tiền trong tài khoản của em thì anh cho biết tiền ở đâu ra? 2. Từ lúc mình cưới nhau, anh có chuyển cho em đồng nào không?". Ông Vũ không đáp và đề nghị ủy quyền trả lời. Nghe đại diện ông Vũ nói "đã trình bày toàn bộ tiền vàng và tài sản chung", bà Thảo phản biện: "Câu hỏi của tôi chỉ có anh Vũ mới trả lời được. Chỉ anh Vũ mới biết có chuyển cho tôi đồng nào hay không kể từ khi lấy nhau".

Phía ông Vũ cho rằng đây là tài sản tạo lập hôn nhân. Ông vũ đứng lên nói thêm: "Nói cái gì cũng là nỗi đau, lời cần nói qua nói cả rồi. Qua không muốn nói mà cô kéo ra đây, cô không nên đôi co. Tiền ở đâu có bao nhiêu qua biết hết, qua không tranh giành. Tôi không muốn trả lời nữa".

HĐXX tuyên bố kết thúc phần hỏi đến phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, phía ông Vũ nói rằng tòa án đã tạm dừng hôm 1/3 để xác minh yêu cầu phản tố. Đây không phải là yêu cầu phản tố mới vì bên ông Vũ đã gửi yêu cầu và đóng mức án phí cho yêu cầu này. 2.100 tỷ đồng là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên nếu phía bà Thảo không chứng minh được đó là tài sản riêng thì phải đưa số tiền này vào tài sản chung. Theo luật hôn nhân, ông Vũ và bà Thảo kết hôn từ 1998 và hiện bà Thảo vẫn trong thời kỳ hôn nhân với ông Vũ nên số tiền đó là chung. Tiền đứng tên vợ trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung.

Phía ông Vũ cho rằng nguồn gốc số tiền hơn 2.100 tỷ bắt đầu từ thu nhập hợp pháp của 2 vợ chồng. Ông Vũ cho biết 20 năm qua, ông không quan tâm tiền bạc và để bà Thảo quản lý hết. "Nếu nguyên đơn cho rằng tài sản riêng thì cần chứng minh chứ phía bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh", bên ông Vũ nói.

Đại diện ông Vũ đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu phản tố số tiền trên và xem xét tỷ lệ chia 7:3 theo đề nghị của ông Vũ. Phía ông Vũ đã yêu cầu ngân hàng và tòa án chứng minh số tiền đó trong thời điểm 2015 - 2016. "Vì vậy, chúng tôi đã chứng minh được số tiền này nằm trong tài khoản vợ của ông Vũ và là tiền chung của hai vợ chồng, theo luật hôn nhân", bên ông Vũ lập luận. "Ông Vũ đồng ý số vàng 10.000 chỉ thay vì 10.000 lượng như ban đầu".

Phía ông Vũ cho rằng đã thực hiện đúng yêu cầu của HĐXX, và mong HĐXX xem xét phân chia khối tài sản chung của 2 vợ chồng.

Đại diện bà Thảo cho biết suốt hơn 20 năm qua, ông Vũ không quan tâm đến vợ. Toàn bộ tâm trí của ông dành cho sự phát triển Trung Nguyên. Thời kỳ hôn nhân được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt. Phía ông Vũ cho rằng số tiền tạo lập trong hôn nhân nhưng không chứng minh được thời điểm tạo lập. Trong khi đó, bên ông Vũ chỉ cung cấp cho tòa số tiền trong tài khoản bà Thảo thay vì chứng minh được tài sản này được tạo lập trong hôn nhân.

"Ông Vũ nói ông không quan tâm đến tiền trong hơn 20 năm qua thì làm sao ông khẳng định được số tiền này là tạo lập trong thời kỳ hôn nhân?", bên bà Thảo đáp trả.

Hơn nữa, phía ông Vũ cũng nhầm lẫn số tiền khổng lồ: 10.000 chỉ vàng khi ban đầu cung cấp cho tòa án là 10.000 lượng vàng. Bên ông Vũ chưa đủ chứng cứ chứng minh số tiền này là tài sản chung.

Phía bà Thảo cho rằng đây là vụ ly hôn nhạy cảm, do đó đề nghị tòa tạo điều kiện để ông Vũ và bà Thảo được trực tiếp trao đổi với nhau. Ví dụ như cho con bao nhiêu, mua sắm gì cho con, cho chồng, cho vợ...

Nếu ông Vũ hợp tác hơn thì sự việc sẽ giải quyết dễ dàng hơn. Có những sự việc nên hòa giải để vụ việc diễn ra suôn sẻ. Trong khi ông Vũ nói không cần tiền vậy tại sao các luật sư của ông lại đòi từng đồng một, từng cổ phần một.

Luật sư của bà Thảo đề nghị HĐXX không xem xét yêu cầu của phía ông Vũ về số tiền trên do không chứng minh được nguồn gốc và nhầm lẫn thông tin về số vàng trong ngân hàng.

Luật sư phía ông Vũ tranh luận yêu cầu phản tố hoàn toàn đúng luật và ông Vũ chấp nhận 10.000 chỉ vàng để HĐXX tiếp tục làm việc. Ông Vũ mong vụ việc được kết thúc sớm nhằm tập trung phát triển Trung Nguyên. Đó là lý do ông chấp nhận sự thua thiệt 10.000 lượng cũng là 10.000 chỉ để kết thúc vụ án đằng đẵng mấy năm nay. Phía ông Vũ yêu cầu HĐXX giải quyết nhanh chóng tranh chấp số tài sản hơn 2.100 tỷ đồng.

Sau khi điều chỉnh thành 10.000 chỉ vàng, tổng số tiền bên ông Vũ yêu cầu phản tố còn lại là 1.764 tỷ 633 triệu đồng. Tuy nhiên phía bà Thảo bác yêu cầu phản tố của ông Vũ và cho rằng đơn vị tính chỉ là chỉ, lượng là lượng nên phía bị đơn không thể nói là chấp nhận mất số tiền đó.

Đại diện Eximbank cho hay trong quá trình xét xử, ngân hàng xác định là chỉ.

Phiên tòa tạm dừng.

*Tiếp tục cập nhật

Trước đó tại phiên xử chiều 1/3, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để xác minh các khoản tiền trị giá hơn 2.100 tỷ đồng do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank, theo yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Theo thông tin xác minh từ các ngân hàng, hiện tài khoản đứng tên bà Thảo chỉ còn hơn 1,3 tỷ tại Eximbank, các ngân hàng còn lại không còn tiền. Những tài sản nằm tại ngân hàng nước ngoài không thể xác minh do bị từ chối cung cấp thông tin khách hàng.

Trong những phiên tòa trước, hai bên tranh cãi gay gắt về việc đưa số tiền 2.100 tỷ đồng vào phân chia. Phía bà Thảo cho rằng ông Vũ đã tự nguyện rút việc phân chia 2.100 tỷ đồng này trong các phiên hòa giải trước đó nên tòa sẽ không đưa vào phân chia. Tuy nhiên, ông Vũ phản tố yêu cầu này tại tòa và yêu cầu chia số tiền trên vì theo ông đây là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Ngoài ra, ông Vũ còn cho biết thêm số tiền trên chỉ là "bề nổi", thực tế còn nhiều hơn.

Hai bên cũng không có sự thống nhất trong việc chia cổ phần tại các công ty thành viên thuộc tập đoàn Trung Nguyên. Bà Thảo đề nghị sở hữu 51%, ông Vũ 39% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment); 15% tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và mỗi người 7,5% cổ phần trong Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Riêng 4 công ty còn lại, nguyên đơn đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ. Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý và đề nghị nhận 70% tổng số cổ phần tại 7 công ty, bà Thảo 30%.

Mấu chốt dẫn đến phán quyết về chia tỷ lệ cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên là chứng minh được ai có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tập đoàn. Để chứng minh vai trò sáng lập, ông Vũ cho biết ông khởi nghiệp năm 1996. Giai đoạn khó khăn nhất cha mẹ còn bán 2 căn nhà để ông có vốn làm ăn và thời điểm này không hề có bóng dáng của bà Thảo.

Trong khi đó luật sư của bà Thảo cho hay năm 1997, ông Vũ làm ăn thất bại, thua lỗ, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bà Thảo quyết định kết hôn năm 1998 để lo cho sự nghiệp của gia đình. Năm 2008, bà Thảo sang Singapore lập Trung Nguyên International và lần đầu đưa Trung Nguyên phát triển ở tấm quốc tế. Người đại diện pháp luật của bà Thảo khẳng định hầu hết thành quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển tập đoàn và thương hiệu cà phê Trung Nguyên đều mang đậm dấu ấn của bà Thảo.

Trong các ngày xét xử trước, hai bên đã thỏa thuận được vấn đề con cái, cấp dưỡng và phân chia bất động sản. Cả 4 người con đều có nguyện vọng sống với mẹ nên hai bên thống nhất giao con cho bà Thảo nuôi dưỡng và ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 đứa con tính từ năm 2013 đến khi học xong đại học.

Về bất động sản, cả hai đồng ý chia theo tỷ lệ 5:5. Theo đó, bà Thảo sẽ nhận 7 nhà đất đang quản lý có giá trị hơn 375 tỷ đồng. Còn ông Vũ nhận 6 bất động sản do ông quản lý với tổng giá trị hơn 350 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch 25 tỷ đồng, bà Thảo thanh toán lại cho ông Vũ 12,5 tỷ. Ngoài ra, bà Thảo cũng được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3) vì đây là nơi mẹ con bà sinh sống.

Bà Thảo và ông Vũ kết hôn hơn 20 năm trước, có 4 con. Năm 2013, họ xảy ra nhiều mâu thuẫn tình cảm, chăm sóc con, quan điểm sống và điều hành công ty. Năm 2015, bà Thảo đơn phương ly hôn, đề nghị được nuôi các con, phân chia tài sản. Trong thời gian này, ngoài thụ lý vụ ly hôn, các cơ quan tố tụng giải quyết nhiều vụ việc khác liên quan đến quyền điều hành và tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty trực thuộc.

Tác giả: Sơn Nam

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP