Cảnh sát đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra phía trước trụ sở của họ đã bị phá hỏng trong vụ đảo chính bất thành vừa qua - Ảnh: AP
Ông Erdogan tiếp tục cáo buộc những kẻ đi theo giáo sỹ Fethullah Gulen hiện cư trú tại Mỹ đã tiến hành cuộc đảo chính ngày 15-7. Hậu quả của sự việc là khoảng 50.000 người bị bắt giữ và hàng trăm ngàn công chức bị sa thải.
Phát biểu tại dinh tổng thống ở thủ đô Ankara, ông Erdogan cho biết tình trạng khẩn cấp là cần thiết "để loại bỏ nhanh mọi phần tử thuộc tổ chức khủng bố liên quan tới vụ đảo chính bất thành".
Ông Erdogan cam kết, bất kể việc áp dụng tình trạng khẩn cấp thì nền dân chủ trong nước cũng sẽ không bị phương hại.
Thông báo được đưa ra sau những cuộc họp kéo dài của hội đồng an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và nội các chính phủ do ông Erdogan chủ trì tại dinh tổng thống.
Tình trạng khẩn cấp sẽ trao thêm cho chính phủ quyền lực trong việc hạn chế đi lại. Tình trạng này cũng sẽ gây hạn chế tới các hoạt động tài chính, thương mại.
Năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp gần đây nhất của nước này vốn được áp lên các tỉnh ở miền đông nam trong cuộc chiến chống lại các chiến binh người Kurd năm 1987.
Điều 120 trong hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép áp đặt tình trạng khẩn cấp "vào thời điểm trật tự xã hội xấu đi nghiêm trọng do các hoạt động bạo lực".
Trong những ngày qua, dư luận quốc tế tỏ ra hết sức lo ngại trước các cuộc thanh trừng với nhiều hình thức, ở mọi lĩnh vực tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành.
Sau khi thanh trừng quân đội và cảnh sát, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang thanh trừng tới bộ phận trí thức và giới truyền thông. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ công việc của 15.200 nhân viên ngành giáo dục. Ủy ban giáo dục đại học của nước này yêu cầu 1.577 trưởng khoa tại các đại học trên cả nước phải từ chức.
Cùng với đó, hãng tin Anadolu cho biết có 399 nhân viên của Bộ gia đình và chính sách xã hội cũng đã bị sa thải. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tước giấy phép hoạt động của 24 đài phát thanh, truyền hình.
Tác giả bài viết: D. KIM THOA