Đánh giá cho thấy Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, song theo Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình, trong vài thập kỷ qua, nông nghiệp vẫn phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên.
"Từ năm 1990, tốc độ tăng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực, do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn", vị này nhận xét. Ông cũng lấy ví dụ tốc độ tăng năng suất lao động trung bình ngành giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4% một năm, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc đã đạt khoảng 7,5% từ những năm 1980-1995.
Lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương cũng cho biết năm 2014, năng suất lao động nông nghiệp chỉ bằng 39% mức chung của nền kinh tế, khiến ngành này phát triển thiếu bền vững, đối mặt với những vấn đề nan giải: giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ.
Theo đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản rất nhỏ. Số lượng tuy đã tăng từ dưới 2.400 những năm 2007 lên hơn 3.600 năm 2013 nhưng tỷ trọng lại có xu hướng giảm đi.
Số liệu nghiên cứu cũng cho thấy doanh thu bình quân mỗi lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản mang lại đã tăng 2,2 lần (119 triệu đồng lên 262 triệu) giai đoạn 2007-2013, song nếu so sánh với toàn bộ khu vực doanh nghiệp thì con số này chỉ tương đương khoảng 25%.
Tác giả bài viết: Ngọc Tuyên