1. Tàu sân bay đặc biệt
Đô đốc Kuznetsov là một chiếc tàu sân bay lai tàu tuần dương, hay có thể nói, nó một chiếc tàu sân bay nhưng lại được trang bị nhiều loại tên lửa đầy sức mạnh như các tàu tuần dương. Nga là nước duy nhất trên thế giới sở hữu tàu sân bay có lắp nhiều vũ khí như vậy, các tàu sân bay của phương Tây chủ yếu chỉ đóng vai trò như một căn cứ không quân lưu động trên biển.
2. Chiếc tàu lớn nhất
Đô đốc Kuznetsov là tàu chiến lớn nhất từng được xây dựng bởi Liên-xô và sau này là Nga, với lượng giãn nước lên tới 62.000 tấn.
3. Một chiếc tàu với nhiều tên gọi
Tàu Đô đốc Kuznetsov giữ kỉ lục về chiếc tàu có nhiều tên gọi nhất trong hải quân Nga. Ban đầu khi mới hạ thủy, nó được gọi là Riga, sau đó đổi thành Leonid Brezhnev, rồi Tbilisi và cuối cùng đặt theo tên của một Đô đốc hải quân Nga là Nikolai Kuznetsov.
4. Cất cánh kiểu cầu bật
Liên-xô từng định trang bị cho tàu Đô đốc Kuznetsov hệ thống phóng máy bay và biến nó thành một chiếc tàu boong phẳng như các tàu sân bay phương Tây. Tuy nhiên, khó khăn tài chính vào thời điểm xây dựng con tàu đã khiến Moscow đổi ý và chỉ trang bị đường băng cất cánh thông thường với mũi vểnh nhằm hỗ trợ máy bay cất cánh.
5. Không đoàn tập luyện trên đất liền
Không đoàn chiến đấu cơ của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov thường tập luyện trong một khu huấn luyện được xây dựng từ thời Liên-xô ở Crimea. Nơi này mô phỏng các tình huống giống trên tàu sân bay và từng chịu sự kiểm soát của Ukraine. Nhưng sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, Nga đã hoàn toàn sở hữu trung tâm này.
6. Tự bảo vệ mình
Tàu Đô đốc Kuznetsov được trang bị nhiều vũ khí "khủng" nên có khả năng tự bảo vệ mình
Tàu Đô đốc Kuznetsov được trang bị nhiều vũ khí phòng thủ lẫn tấn công. Nó vẫn cần các chiến hạm khác hộ tống nhưng không nhiều như các tàu sân bay Mỹ. Chiếc tàu có lắp 12 tên lửa chống hạm Granit, 6 hệ thống súng tự động AK-630, 2 hệ thống phóng rocket Udav, một hệ thống tên lửa đất đối không Kinzhal và một hệ thống tên lửa Kortik. Những loại vũ khí trên nhằm ngăn chặn kẻ thủ tiến lại gần từ trên không, trên biển hay dưới mặt nước.
7. Suýt thuộc về Ukraine
Sau khi Liên-xô tan ra, Ukraine tuyên bố sở hữu chiếc tàu sân bay này do vào thời điểm đó, nó đang được chạy thử nghiệm tại khu vực Feodosia, thuộc lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, Phó Tư lệnh thứ nhất của hạm đội phương Bắc (Nga) đã bay đến Ukraine để can thiệp vụ việc này. Ông ra lệnh nhổ neo ngay lập tức và đưa tàu về tới vùng Severdvinsk của Nga.
Con tàu tắt hết đèn định vị, rời bến âm thầm với 1/3 số thủy thủ đoàn và không có bất kì chiếc máy bay nào trên boong. Nó đã phải mất tới 3 tuần trên biển để đến được Severdvinsk.
8. Sống sót thần kì
Nếu ở lại Ukraine, tàu Đô đốc Kuznetsov đã phải chịu số phận như các tàu sân bay khác cùng Dự án 1143. Tàu Kiev được bán cho Trung Quốc làm công viên và bảo tàng nổi, chiếc Ulyanovs thì bị dỡ bỏ vào năm 1997. 2 tàu Novorossiysk và Minsk được bán cho Hàn Quốc để làm phế liệu nhưng sau đó cũng được Trung Quốc mua lại một lần nữa để trở thành bảo tàng.
Ukraine còn bán tàu Varyag cho Trung Quốc, tuy nhiên, chính phủ Bắc Kinh đã quyết định xây dựng lại con tàu này và biến nó thành tàu sân bay đầu tiên của họ, có tên Liêu Ninh.
9. Không thể thay thế
Trong tương lai gần Đô đốc Kuznetsov vẫn là tàu sân bay duy nhất của hải quân Nga
Vào năm 2015, quân đội Nga tuyên bố, ít nhất 5 năm nữa họ mới bàn đến việc liệu có xây dựng chiếc tàu sân bay thứ 2 hay không. Ngoài ra, chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Nga đến năm 2020 không bao gồm việc phát triển tàu sân bay do đó, trong tương lai gần Đô đốc Kuznetsov vẫn là chiếc tàu sân bay duy nhất và không thể thay thế của hải quân Nga.
Tác giả bài viết: Minh Anh
Nguồn tin: