Số hóa

Những cách bảo mật thô sơ nhưng hiệu quả

Che camera bằng băng dính như Mark Zukerberg hay cắt camera, micro smartphone như Edward Snowden là những cách bảo mật thô sơ nhưng tác dụng của nó đã được khẳng định.


Rút dây mạng/ngắt kết nối Wi-Fi
Hầu hết máy tính, thiết bị di động hiện nay đều kết nối mạng Internet (có dây hoặc không dây) và đây cũng là nguyên nhân xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào chúng. Do đó, với các công việc quan trọng phải thực hiện trên máy tính, nhiều người có thói quen ngắt kết nối để nội dung không bị tin tặc nhòm ngó. Sau khi hoàn thành, chúng được chép ra bộ nhớ ngoài, như ổ cứng di động, USB… sau đó xóa trên máy nhằm đảm bảo tính bảo mật.


Vô hiệu hóa kết nối cổng USB
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp cách bảo mật này trong các quán Internet công cộng. Theo một chủ quán Internet, đây là điều nên làm nhằm tránh việc khách hàng sử dụng USB có chứa virus, có thể khiến toàn bộ hệ thống máy của quán bị lây nhiễm theo.


Che camera bằng băng dính
Đây là cách mà CEO Facebook Mark Zukerberg đã làm và được cộng đồng chia sẻ thời gian qua nhằm tránh bị tin tặc theo dõi thông qua camera. Theo BI, Giám đốc FBI James Comey hay người để lộ nhiều bí mật của chính phủ Mỹ, Edward Snowden, từng làm điều tương tự. Trong các bình luận dưới bài viết của VnExpress, rất nhiều độc giả cũng cho biết họ cũng có thói quen này, do lo ngại kẻ xấu có thể lén kích hoạt camera và theo dõi.


Cắt camera, micro smartphone
Cách đây ít lâu, trên kênh HBO, Edward Snowden từng chia sẻ về cách ông bảo vệ smartphone của mình trước sự do thám từ bên ngoài. Cụ thể, ông đã ngắt kết nối camera và micro, đồng thời vô hiệu hóa Wi-Fi, 3G, Bluetooth. “Bạn có thể xem điều này là kỳ cục, nhưng đây mới là cách giúp chiếc smartphone thuộc về bạn hoàn toàn. Bạn có thể dùng máy ảnh để chụp, dùng tai nghe khi trò chuyện với ai đó, để tránh bị kẻ khác đột nhập vào thiết bị của mình”, Snowden cho biết.


Dùng máy đánh chữ
Với sự phát triển ngày càng lớn của các phần mềm ghi lại hoạt động bàn phím (keylog) và theo dõi máy tính, nhiều tổ chức đã sử dụng cách bảo mật thông tin “nguyên thủy” hơn, trong đó có việc sử dụng máy đánh chữ, do lo ngại những gì mình viết ra sẽ bị ghi lại. Năm 2013, mật vụ Nga được cho là nhập về số lượng lớn máy đánh chữ để gửi các tài liệu quan trọng. Tất nhiên, đây là cách tuy an toàn nhưng việc lưu trữ lại rất khó khăn, nhất là khi xảy ra cháy nổ, hoặc dễ rơi vào tay người khác.

Tác giả bài viết: Bảo Lâm

  Từ khóa: bảo mật ,thô sơ ,tác dụng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP