Căn nhà số 73 Lê Hồng Phong (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) của vợ chồng ông cựu Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức |
“Không bán chức chủ tịch huyện giá 6 tỷ đồng” ?!
Tháng 7/2018, trước thông tin ông Nguyễn Ngọc Long cùng vợ là bà Nguyễn Thị Ánh Nguyên tuyên bố “vỡ nợ”, nhiều người đã lỡ cho đôi vợ chồng này vay tiền hoảng hốt, đứng ngồi không yên. Nhưng họ vẫn còn ít nhiều hy vọng sẽ đòi lại được tiền, vì ông Long lúc đó vẫn đang là Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức.
Đến tháng 11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định cho ông Long thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, điều chuyển ông Long qua làm chuyên viên Ban Quản lý công viên địa chất Đắk Nông. Các chủ nợ hay tin vội gửi đơn tố ông Long đã lợi dụng sự ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi gian dối, cùng vợ vay hàng chục tỷ đồng, nhưng không chịu trả.
Chị D. (trú tại phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa) cho hay: do có mối quan hệ thân thiết, nên chị mới tin tưởng giao tiền cho bà Nguyên mà không đắn đo gì. “ Bà Nguyên nói, cần nhiều tiền để đầu tư làm dự án gì đó. Khi tôi cho vay vài trăm triệu thì cả lãi suất lẫn tiền gốc được trả rất sòng phẳng. Vì thế từ cuối năm 2017, tôi đã huy động tiền của người thân và bên ngoài cho vay hơn 6,4 tỷ đồng, bà Nguyên hứa sẽ trả hết trong năm 2018. Khi biết gia đình này không có khả năng thanh toán, tôi phải bán căn nhà mặt tiền sát chợ cũng chỉ được 6,1 tỷ đồng để lo trả nợ cho người ta. Tôi bảo bà Nguyên bán căn nhà số 73 Lê Hồng Phong, phường Nghĩa Phú lấy tiền trả nợ, thì bà Nguyên trả lời nhà đó đã cầm cố cho ngân hàng để vay 4,2 tỷ đồng” - Chị D. cho phóng viên Tiền Phong biết.
Chị D. còn rủ thêm cả chị N.T.T.H (trú cùng địa chỉ) “hùn vốn” cho vợ Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức để “làm ăn”. Cũng bằng hình thức như trên, chị H. cùng “dính” hàng tỷ đồng cho vay. “Khi tôi không đồng ý cho vay, bà Nguyên đã cùng với chồng đến nhà cùng ký vào giấy vay tiền. Tôi nghĩ với một ông chủ tịch UBND huyện bổng lộc nhiều, thì 4 tỷ bạc ăn thua gì. Khi vay tiền của tôi, vợ chủ tịch huyện có đưa căn nhà 73 Lê Hồng Phong, phường Nghĩa Phú để thế chấp” - chị H. cho biết.
Các nạn nhân đều nói khi sự việc vỡ lở, họ mới biết vợ chồng bà Nguyên mượn rất nhiều tiền của nhiều người. “Bà Nguyên thuyết phục tôi rằng, chồng bà khó khăn lắm mới lên được chức Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức. Bà ấy nói không thể bán chức Chủ tịch của chồng với giá 6 tỷ được.Vì thế tôi mới tin tưởng và cho vay” - chị D. kể.
Giấy viết nợ do vợ chồng ông Long viết và ký |
Dân chúng đã làm đơn tố cáo, tuy nhiên đến nay họ đều chưa nhận được hồi âm về tiến trình xử lý vụ việc từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông. Nếu chị D. nói đúng sự thật, thì căn nhà của vợ chồng ông chủ tịch đã thế chấp ở ngân hàng, sao lại tiếp tục làm tài sản thế chấp để vay tiền tỷ của người khác được? Một cán bộ lãnh đạo Huyện ủy Tuy Đức cho phóng viên biết có nhiều hộ dân gửi đơn tố cáo về việc vợ chồng ông chủ tịch huyện vay tiền mà không chịu trả.
Cứ vay rồi “không có khả năng trả”?!
Ông Bùi Văn Thắng (Chi cục Thuế huyện Đắk Song) thừa nhận: Ông cùng với vợ là Nguyễn Thị Thùy Oanh đã ký vào một số giấy vay tiền theo yêu cầu của các chủ nợ ở huyện Đắk Song. Việc vay tiền là để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chủ yếu do vợ ông tiến hành. Hiện ông không có khả năng chi trả chứ không phải cố tình.
Ông N.H.C cùng với 9 hộ dân ở huyện Đắk Song làm đơn phản ánh đến báo Tiền Phong: ông Thắng đã cùng vợ vay hàng chục tỷ đ?ng m??kh?ng ch?u tr? cho h?. ??ng ồng mà không chịu trả cho họ. “Ông Thắng nói cần tiền để đáo hạn ngân hàng; hoặc tiêu âm quỹ Thuế… Tin tưởng ông ấy là Đội trưởng Đội nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục Thuế huyện Đắk Song) nên chúng tôi mới cho vay” - ông C. bức xúc.
Một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay vụ việc vẫn chưa rõ ràng. Phải chờ kết quả điều tra cuối cùng từ Công an mới có hướng xử lý tiếp theo. Ông Thắng cũng chủ động xin từ chức, và đã được chuẩn y cho rời ghế Đội trưởng để... xuống ghế Đội Phó Chi cục Thuế huyện Đắk Song.
Người dân tố vợ chồng ông Thắng vay tiền không trả |
Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Nông cũng phải thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông bằng hình thức cảnh cáo, cũng do cứ vay rồi “xù”. Theo kết luận của UBKT, bà Thúy cùng với chồng đã vay mượn một số tổ chức tín dụng, cá nhân với số tiền lớn nhưng không trả nợ đúng hạn và bị phạt lãi suất quá hạn; không trả nợ đúng cam kết và nhiều lần né tránh trách nhiệm trả nợ. Trong quá trình báo cáo, giải trình, bà Thúy thiếu trung thực, né tránh, báo cáo không đầy đủ. Bà Thúy bị miễn nhiệm chức Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và bãi miễn tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa III (nhiệm kỳ 2016 - 2021).
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo định kỳ cuối năm 2018, đến nay tỉnh đã có hình thức xử lý như thế nào đối với một số cán bộ là lãnh đạo, cùng người thân vay những khoản tiền lớn của dân chúng, rồi tuyên bố không có khả năng chi trả? Ông Cao Huy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: một số người dân đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức đến cơ quan báo chí. Đối với chủ tịch huyện Tuy Đức, tỉnh đã có hình thức kỷ luật. |
Tác giả: VŨ LONG
Nguồn tin: Báo Tiền Phong