Dân nhìn vào Đảng qua những nhân cách đảng viên
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “thật đau lòng” khi nói về việc kỷ luật cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.
Mặc dù đau lòng, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, công tác này sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.
Nhìn về những con số “chưa từng có” này, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đây là một minh chứng cho thấy bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Song, việc kỷ luật cán bộ cũng gợi nhiều suy ngẫm, trăn trở về tình trạng thiếu gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Không trăn trở sao được khi trong nhiều năm trở lại đây, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên cấp cao suy thoái, biến chất trước cám dỗ của đồng tiền, địa vị, danh vọng. Không ít người đã thiếu gương mẫu trong rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, chỉ lo vun vén cá nhân, xoay sở làm giàu, sống xa hoa, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân. Một số người còn lợi dụng chức quyền, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tập thể, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Thực tế cuộc sống cũng đã cho thấy, gương mẫu của người lãnh đạo, cơ quan lãnh đạo tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân. Dân nhìn vào Đảng, vào Nhà nước thông qua những nhân cách đảng viên, những con người cụ thể. Bởi vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao càng đặt ra bức thiết hơn, đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ không chỉ ở cơ quan, đơn vị, mà cả ở gia đình, cộng đồng.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cùng với Quy định 101, Quy định 55 đã được ban hành trước đó, chúng ta sẽ có 3 quy định phát huy hiệu lực, bao quát tất cả các đối tượng, điều chỉnh từ cán bộ cao cấp nhất đến từng đảng viên cơ sở.
Cán bộ nêu gương từ những việc nhỏ nhất
Muốn những quy định này sớm đi vào cuộc sống, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để thực hiện.
Các đơn vị chiếu theo các quy định để thực hiện, nơi nào không làm tốt, cấp uỷ, Uỷ ban Kiểm tra các cấp giám sát, kiểm tra và cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Nói về những biểu hiện của việc nêu gương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ: “Cán bộ nêu gương không chỉ thể hiện bản thân luôn giản dị, thực hiện liêm chính, chí công vô tư mà còn phải bảo ban những thành viên trong gia đình vì cũng có người dùng gia đình để vụ lợi”. Theo ông, nếu cán bộ không làm tròn vai trò nêu gương thì cũng có thể sa vào con đường suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thành những nhóm lợi ích co cụm lại với nhau, chống lại sự giám sát, kiểm soát của Đảng.
Một điểm mới trong quy định đó là cán bộ cảm thấy không còn đủ năng lực, uy tín, điều kiện thì nên chủ động từ chức, theo ông Hùng, điều này nên làm từ lâu và cần suy nghĩ đây là vấn đề bình thường trong đời sống xã hội.
"Nên coi việc từ chức là bình thường khi không còn đủ uy tín, năng lực, bởi đó cũng là cách bảo vệ danh sự cho tổ chức, cho cơ quan và lòng tự trọng của mỗi người”- ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển. |
Cùng bàn về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh rằng, nêu gương là một phương thức, cách thức lãnh đạo. Lãnh đạo là để người khác nguyện theo mình. Và muốn người khác nguyện theo thì mình phải chinh phục được trái tim, khối óc của họ bằng chính sự nêu gương của bản thân.
Quần chúng không mong cán bộ, đảng viên phải làm điều gì cao xa mà chỉ mong cán bộ, đảng viên nêu gương từ những việc làm nhỏ nhất, thực hành đạo đức, thực hành văn hóa bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống.
“Cán bộ nêu gương từ việc nhỏ thì sẽ nêu gương bằng việc lớn, chứ không phải chỉ làm việc lớn mới là nêu gương. Việc đầu tiên là cán bộ phải hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm với công việc của mình. Thứ hai là giữ phẩm chất trong sạch, không phạm vào những quy định của pháp luật, lời nói đi đôi với việc làm, tận tụy với công việc, gương mẫu trong lối sống… chính những việc đó sẽ tạo nên những tấm gương để quần chúng noi theo, nguyện theo” – PGS.TS Lê Quý Đức nói./.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: Báo VOV