Hai phiên bản thử nghiệm YF-23. Ảnh: USAF
Mặc dù luôn tự hào về phi đội tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 "Chim ăn thịt" tối tân, nhiều quan chức quốc phòng Mỹ vẫn tỏ ra nuối tiếc mẫu chiến đấu cơ thử nghiệm YF-23 "Nhện độc", bởi những tính năng đặc biệt của nó, theo Aviations militaires.
Khi phát hiện sự ra đời của chiến đấu cơ Mig-29 và Su-27 của Liên Xô vào năm 1978, các quan chức không quân Mỹ lo ngại rằng hai mẫu tiêm kích này có thể là đối thủ nặng ký, thậm chí có thể vượt trội chiếc F-15 của không quân Mỹ, đặc biệt là về khả năng cơ động.
Để duy trì ưu thế tuyệt đối về không quân, Lầu Năm Góc đã đặt hàng nhiều nhà thầu quốc phòng của nước này nghiên cứu, phát triển một mẫu máy bay mới theo chương trình "Máy bay tiêm kích chiến thuật tiên tiến" (ATF), đáp ứng các yêu cầu như có khả năng sống sót cao, tốc độ hành trình siêu âm, hoạt động bí mật, giảm sự phản xạ sóng radar, và giảm chi phí bảo dưỡng.
Tháng 7/1986, sau khi xem xét dự án chi tiết của các nhà thầu, Lầu Năm Góc chỉ lựa chọn hai mẫu thử nghiệm cuối cùng là YF-23 của Northrop Grumman và YF-22 (F-22 ngày nay) của Lockheed Martin. Về cơ bản, cả hai phiên bản chiến đấu cơ này đều được chế tạo với khả năng tàng hình cao.
Dựa trên kết quả phân tích thiết kế và khí động học, các chuyên gia của Aviations militaires cho rằng "Nhện độc" tỏ ra vượt trội hơn "Chim ăn thịt" ở nhiều tính năng cơ bản của chiến đấu cơ.
YF-23 sở hữu thiết kế khí động học rất độc đáo, với cánh chính kiểu "quả trám" và không có cánh ổn định ngang ở đuôi, mang lại khả năng tàng hình cao hơn so với mẫu YF-22.
Một phiên bản YF-23 tại căn cứ quân sự Ohio. Ảnh: USAF
Một đặc điểm ấn tượng khác của YF-23 chính là thiết kế miệng xả động cơ hướng lên trên thay vì hướng sang ngang như động cơ truyền thống, giúp máy bay tăng cường khả năng che giấu dấu vết hồng ngoại.
YF-23 có khả năng hành trình siêu thanh tốt hơn YF-22 nhờ trang bị động cơ General Electric YF120. Nhà phân tích Barry Watts thuộc tập đoàn Northrop cho rằng ngay cả khi trang bị động cơ Pratt & Whitney YF119 dùng trên YF-22 có công suất thấp hơn, YF-23 vẫn có khả năng hành trình siêu thanh ở tốc độ Mach 1.4 (khoảng 1.700 km/h).
Về tầm bay, YF-23 cũng ấn tượng hơn mẫu thiết kế của Lockheed Martin khi có phạm vi hoạt động đạt 4.500 km, lớn hơn so với 3.200 km của YF-22.
Dù sở hữu những ưu điểm vượt trội đó, ngày 23/4/1991, YF-23 đã phải "ngậm ngùi" chấp nhận thất bại, nhìn đối thủ được lựa chọn trở thành mẫu chiến đấu cơ tàng hình chính thức của quân đội Mỹ, bởi các quan chức Lầu Năm Góc tỏ ra quá thận trọng và lo lắng về nguy cơ máy bay của họ bị Nga qua mặt về khả năng cơ động và ứng biến linh hoạt.
Thiết kế của YF-23 là sự kết hợp tuyệt đối giữa tốc độ, độ cao và khả năng tàng hình. Trong khi đó, Bộ chỉ huy tác chiến không quân Mỹ lại tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của tính năng tàng hình trên chiến trường thực tế, và muốn chắc chắn rằng máy bay trong dự án ATF phải đủ linh hoạt để đánh bại các mối đe dọa không chiến trong tầm nhìn như Mig-29 và Su-27 của Nga.
Nguyên nhân tiếp theo khiến YF-23 bị loại là do nhà thầu Northrop và McDonnell Douglas từng bị "mang tiếng" trong chương trình phát triển oanh tạc cơ B-2 và máy bay tấn công A-12 khiến Lầu Năm Góc không hài lòng. Họ lo ngại điều tương tự sẽ xảy đến với ATF, chính vì thế họ đã quyết định trao cơ hội cho Lockheed Martin với YF-22.
Hai phiên bản YF-23 vẫn đang được trưng bày tại căn cứ quân sự tại bang Ohio, nơi chúng thường được sử dụng bay trình diễn hoặc phục vụ các công tác nghiên cứu khác.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng