“Đứng hình” vì… tình ngay, lý gian!
Phải qua nhiều lần thuyết phục, chúng tôi mới có được cuộc trò chuyện thân tình với chị Nguyễn Hoài Nguyên - PV Báo Đời sống & Pháp luật - từng là cây bút điều tra “cứng” trong làng báo. Lý do chị từ chối thì nhiều. Chị bảo, một phần vì giờ chị đang làm công tác biên tập do yêu cầu của toà soạn, không còn là phóng viên nữa. Một phần vì chị coi việc viết về những vụ án oan mà mình đã theo đuổi chỉ là bình thường như công việc của bao nhà báo khác, không nên chia sẻ nhiều. Chỉ khi chúng tôi đổi hướng, hỏi chuyện cân bằng công việc – gia đình thì chị mới đồng ý mở lòng.
Người phụ nữ trẻ trung xinh xắn, vận váy hoa, xách túi điệu đà trước mặt chúng tôi có nụ cười, ánh mắt hiền hậu, ấm áp, giọng nói nhẹ nhàng, gây thiện cảm ngay gặp lần đầu. Không ai nghĩ chị làm báo, mà lại là nhà báo điều tra. Chị mở đầu câu chuyện bằng những câu chuyện vui, những tình huống “éo le”dở khóc dở cười khi đi làm điều tra.
Chị bảo một chuyện khó quên là lần nhận được tin ông N.V.M (70 tuổi, quê Thường Tín, Hà Nội) tử vong khi cùng người tình vào nhà nghỉ ở quận Hoàng Mai trong tư thế còng queo không một mảnh vải che thân, thay vì phản ánh vụ việc thông thường, chị quyết định thực hiện phóng sự điều tra về hoạt động của các nhà nghỉ, cũng như việc quản lý đối với lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này.
Để có tư liệu, chị buộc phải xâm nhập thực tế. Liên tục nhiều ngày đêm, chị được lực lượng cơ quan công an sở tại phối hợp hỗ trợ và cử trinh sát đóng giả tình nhân đưa đến các nhà nghỉ thuê phòng. Khổ nỗi, chị chỉ mới biết anh trinh sát này cách đó vài ngày, nên khi giả vờ tình tứ dìu nhau vào nhà nghỉ, có những phen khiến hai người ngượng chín mặt. “Tất nhiên, khi cầm chìa khoá đến cầu thang, thăm dò ý thức chấp hành pháp luật của chủ nhà nghỉ đến đâu, là chúng tôi quay xuống kiểm tra liền. Đáng nhớ hơn, tôi và chàng trinh sát được giao chìa khóa lên... đúng phòng nghỉ mà ông N.V.M tử vong trước đó chục ngày”, chị Hoài Nguyên nhớ lại.
Nhưng “khủng khiếp” hơn cả là vào một chiều, vẫn trong vai cặp trai gái đi tìm nơi tình tự, bỗng anh trinh sát trẻ đứng như trời trồng, miệng lắp bắp khi thấy cô vợ giáo viên mới cưới, không biết từ đâu xuất hiện, dừng xe lại, liếc xéo rồi tức tối phóng đi. Sáng sớm hôm sau, anh trinh sát trẻ đã cấp tốc gọi điện thông báo bị vợ... “tra tấn”. Vậy là nhà báo Hoài Nguyên phải trực tiếp đến tận nơi vợ anh trinh sát công tác để... xuất trình thẻ nhà báo và giải thích rằng “đang làm nhiệm vụ”. “Sau đó, loạt bài dài kỳ đó tôi đã để tên anh trinh sát là đồng tác giả, một phần cũng để “giải oan” cho đồng chí ấy. Hiện giờ, hai gia đình chúng tôi chơi với nhau khá thân thiết”, chị Hoài Nguyên chia sẻ.
Bị côn đồ “truy sát” khi mang bầu tháng thứ 7
Một lần nhà báo Hoài Nguyên cùng nhóm trinh sát đi xác minh, tiếp cận vụ hoang báo đang gây khó khăn cho lực lượng điều tra. Lúc đó, chị mang bầu con đầu lòng hơn 7 tháng – thời điểm rất nguy hiểm của thai kỳ. Chị và nhóm trinh sát bất ngờ bị nhóm đối tượng vác dao rượt đuổi nên mấy anh em không còn cách nào khác phải né chạy. Thân mang bầu, chị Nguyên bị dồn đến bước đường cùng, phải liều mình nhảy vọt qua một con mương nhỏ ngập nước. Chị nói mà vẫn còn cảm giác bùi ngùi: “Cú nhảy của tôi khiến mấy trinh sát đi cùng hết hồn, vội đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất kiểm tra. Nhưng, ơn trời, mẹ con tôi không sao. Đó là lần đầu tiên tôi bị đe dọa tấn công ngay tại trận”.
Một lần khác, chị được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu và viết bài về nguyên giám đốc một doanh nghiệp lợi dụng chức vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất lớn. Vụ việc còn liên quan đến một người đàn ông môi giới cho ông giám đốc kia vay tiền.
Sau khi bài báo đăng tải,người đàn ông tự xưng là “người môi giới” trong bài liên tục gọi điện tới toà soạn với lời lẽ thô tục, nằng nặc đòi gặp tác giả, cho rằng ông ta bị vu oan, đồng thời làm đơn gửi toà soạn, trong đó không quên lời đe dọa phóng viên.“Bằng cách nào đó, ông ta biết được số điện thoại của tôi. Liên tục bất kể ngày đêm, tôi phải nhận điện thoại, tin nhắn từ nhiều số máy khác nhau, đe dọa như tạt axit, hành hung, tông xe ngoài đường, trong đó nói rõ đã biết mặt tôi cũng như biển số xe của tôi. Xác minh những số điện thoại gọi đến đều không đăng ký thuê bao. Lúc đó, tinh thần tôi bị khủng hoảng nghiêm trọng. Không riêng tôi mà cả gia đình, cơ quan đều thực sự lo lắng vì lúc đó tôi đang mang bầu”, chị Hoài Nguyên kể lại.
Trước sự phản ứng gay gắt và đe dọa của người đàn ông này, phóng viên Hoài Nguyên được bố trí làm việc tại tòa soạn, khi ra về có người nhà đưa đón và thông tin ngay trong trường hợp cần giúp đỡ. Để ngăn chặn tình huống xấu, Ban biên tập đã gửi công văn tới Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội đề nghị làm rõ hành vi đe dọa của kẻ môi giới kia và xử lý theo pháp luật. “Vụ việc sau đó cũng được giải quyết dứt điểm, tội danh “kẻ môi giới” đã rõ ràng, nhưng tôi bị một phen đau đầu và càng hiểu sâu sắc những vất vả, nguy hiểm của nghề báo. Còn nhiều vụ việc, nhiều nỗi khó khăn, nguy hiểm tôi không thể kể hết được. Theo tôi, chính những tình huống này giúp cho mỗi phóng viên rèn luyện bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách” – nữ nhà báo chia sẻ.
Gia đình là quan trọng nhất
Hơn 20 năm làm báo, nhà báo Hoài Nguyên chia sẻ quan điểm: “Thông tin ban đầu quan trọng đấy, vẻ như “có cơ sở” đấy, nhưng không phải là tất cả. Công tác xác minh sau vụ việc quan trọng hơn nhiều, thậm chí phải xác minh lại từ hiện trường đến nhân chứng, không khác gì trinh sát. Làm báo là phải đi, phải có chứng cứ, hình ảnh, tài liệu và đặc biệt là phải có nghiệp vụ báo chí để tiếp cận hồ sơ vụ án. Dù biết nhiều thông tin từ cơ quan điều tra đấy, nhưng mình phải có tư liệu của mình. Do đó, phải đi, phải xác minh để có tài liệu từ rất nhiều phía. Và hành trang mà mỗi phóng viên điều tra phải có là cái “tâm” và kiến thức pháp luật cũng như những tình huống pháp lý đúc rút từ những vụ án”, chị Hoài Nguyên chia sẻ.
“Có những vụ án có dấu hiệu oan sai, vì nhiều lý do, cơ quan chức năng chưa có điều kiện điều tra xác minh lại, nhưng ít nhất những bài báo với lập luận pháp luật, bằng chứng xác đáng đã “cởi trói” cho người kêu oan cũng như gia đình họ về mặt tinh thần. Một số vụ việc khiến tôi trăn trở đến tận bây giờ vì cảm thấy mình đã làm hết sức rồi, nhưng kết quả chưa như mong muốn”, nữ nhà báo điều tra dày kinh nghiệm trầm ngâm.
Giờ đây, do yêu cầu của toà soạn, nhà báo Hoài Nguyên chuyển sang làm công tác biên tập. Tuy nhiên, niềm yêu thích điều tra những vụ việc “có vấn đề” vẫn luôn âm ỉ trong chị. “Nếu người dân oan ức, cần mình giúp hay tư vấn pháp luật thì mình vẫn sẵn sàng”, chị nói.
Dù bản lĩnh trong nghề nghiệp, trăn trở với công việc của người đi tìm ánh sáng công lý cho những mảnh đời bất hạnh, song Hoài Nguyên vẫn thực sự là người phụ nữ của gia đình. “Người ta cứ nghĩ nghề báo là nghề phiêu lưu, bỏ bê gia đình, nhưng tôi không nghĩ vậy. Với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất. Ở nhà tôi, dù vợ chồng đều bận, nhưng chưa bao giờ có người giúp việc. Để đáp ứng được phương châm “làm báo là phải đi”, tôi luôn phải bố trí, sắp xếp công việc, gia đình đâu ra đấy để được vẹn toàn. Tôi tự hào vì hai con ngoan ngoãn, học giỏi. Ngoài công việc ở cơ quan, tôi luôn dành thời gian có thể cùng làm bạn, chia sẻ, động viên con cái”, chị Hoài Nguyên chia sẻ.
Nhà báo Hoài Nguyên kết hôn khi 25 tuổi với người chồng trong lực lượng vũ trang. Dù rất ủng hộ công việc của vợ nhưng anh luôn nơm nớp lo cho chị vì những nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp của vợ, trong khi chị lại nhỏ bé, mảnh mai. Do đó, chị trấn an gia đình bằng cách… không nói gì, chỉ bảo đi công tác để chồng đỡ lo. Chị Hoài Nguyên vẫn tự hào rằng mình may mắn vì có được người chồng rất hiểu vợ. Anh cảm thông khi thấy chị xa con nhỏ đi tỉnh xa tìm hiểu, xác minh những vụ án có dấu hiệu oan sai. Anh cũng rất chia sẻ khi chị trắng đêm viết bài kiếm thêm nhuận bút để giúp đỡ những người nghèo khó kêu oan. |
Nguồn tin: giadinh.net.vn