Thế giới

Người Việt ở Ukraine: Giờ thì chạy đi đâu?

Nhiều người Việt tại Ukraine chung tâm trạng lo lắng và ngạc nhiên khi chiến sự xảy ra tại đất nước này. Họ mong Nga và Ukraine sớm đàm phán để kết thúc giao tranh.

"Bom đạn đến đây rồi. Giờ thì chạy đi đâu?", bà Xuyến hốt hoảng gọi các con dậy lúc rạng sáng 24/2.

Sống ở Ukraine 15 năm, đây là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Xuyến (52 tuổi, ngụ làng Staritskogo, Odessa, Ukraine) nghe thấy tiếng bom. Sau tiếng nổ đầu tiên, bà còn "bán tín bán nghi" nên vẫn im lặng để con cháu ngủ. Đến tiếng nổ thứ 2, bà lo lắng kêu cả nhà thức giấc để chuẩn bị tinh thần sơ tán.

Lo lắng là tâm trạng chung của người Việt tại Ukraine. Tuy nhiên, ngoài những khu vực quân sự "nóng", người dân ở nhiều vùng ven Ukraine vẫn có một cuộc sống tương đối bình yên và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Nhiều người lựa chọn ở yên một chỗ thay vì tìm cách di tản sang các nơi không có giao tranh hoặc về nước.

Đâu ngờ chiến tranh

"Tiếng bom thỉnh thoảng lại nổ ra đâu đó trong thành phố, không rõ khu nào nhưng cảm giác rất gần", bà Xuyến kể về ngày đầu chiến sự.

Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra nhiều năm nay và những người dân như bà Xuyến đã dần quen với câu chuyện trong nhà, ngoài phố về một cuộc chiến đang ở rất gần.

"Trước lúc chưa có bom thì ai cũng đoán là dọa nhau thôi, chứ đâu ngờ chiến tranh thật. Giờ thì thấy rất lo", bà nói.

Người dân tại khu làng của bà Xuyến ở trong hầm trú ẩn đêm 24/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày đầu xảy ra chiến sự, với tâm lý lo lắng, bà Xuyến và nhiều người dân đổ đi chợ, siêu thị để mua đồ tích trữ cho gia đình. "Người ta xếp hàng dài cả cây số để mua xăng, mua lương thực, thực phẩm. Ra chợ nhìn xa xa thấy có đám cháy, người ta bảo nhau là chỗ đấy bị đánh bom", bà Xuyến kể.

Giống như người Việt, Staritskogo cũng có trưởng làng và mọi người giao tiếp với nhau qua một "sàn" (giống như nhóm chat). Trên đó, người dân có thể trao đổi các thông tin, trưởng thôn cũng sẽ cập nhật tình hình và truyền đạt thông báo của chính quyền tới người dân khi cần.

Sau khi xảy ra chiến sự, chính quyền Ukraine liên tục có thông báo khuyến cáo người dân không nên ra ngoài và sẵn sàng xuống hầm trú ẩn.

Đêm 24/2, toàn dân ai cũng nghĩ sẽ có trận đánh to, ai nấy đều lo sợ. Mọi người chuẩn bị tinh thần và mang sẵn đồ ăn, nước uống xuống hầm để tích trữ, phòng trường hợp phải trú ẩn lâu dài. Gia đình 5 người nhà bà Xuyến cũng chia nhau, một nửa xuống hầm, còn một nửa ở lại nhà. Nếu có vấn đề sẽ nhanh chóng chạy từ nhà xuống hầm trú ẩn.

"Trộm vía là đêm đó không xảy ra chuyện gì. Mọi người bình an", bà chia sẻ.

Sợ bom rơi đạn lạc

Bước sang ngày chiến sự thứ 2, bà Xuyến và người dân trong làng đã bình tĩnh hơn. Mọi người duy trì nếp sống gần như bình thường, chỉ hạn chế ra đường để tránh bom rơi đạn lạc. Các con bà cũng tạm thời nghỉ làm ở nhà.

Theo bà Xuyến, lý do người dân yên tâm là Nga cam kết chỉ đánh vào các căn cứ quân sự trọng điểm, không tấn công khu dân sự. Bên cạnh đó, khu vực này rất nhiều người Nga sinh sống nên bà cũng thấy yên tâm hơn.

"Chỉ sợ bom rơi đạn lạc. Thấy ở mấy vùng khác, có nơi máy bay rơi cả vào nhà dân", bà Xuyến lo lắng nói.

Trước đây, làng của bà Xuyến cũng có nhiều người dân từng ở vùng chiến sự như Donbass di tản tới. Theo lời họ, nếu hai bên đánh nhau tại vùng này thì sẽ có đàm phán để người dân được sơ tán trước.

Khu chung cư nhà bà Xuyến vẫn còn khá bình yên, ảnh chụp hôm 24/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Nếu phải sơ tán, chính quyền sẽ hướng dẫn mình chứ không nên chạy lung tung, như thế còn nguy hiểm hơn nhiều", bà nói.

Một điểm nữa khiến bà yên tâm hơn là trong làng có nhiều hầm rộng và sâu, người dân có thể cùng nhau trú ẩn nơi đây nếu có diễn biến phức tạp.

Là người sống trong "tâm bão", bà Xuyến cảm thấy không quá bất an, nhưng tại Việt Nam, người nhà rất lo lắng cho gia đình. Chính bà phải trấn an ngược lại người thân rằng tình hình vẫn được kiểm soát và mọi người đều bình an.

"Người nhà cũng muốn mình về, nhưng tôi chưa nghĩ đến vấn đề đó. Dù đang trong vùng chiến tranh, chưa đến mức cấp bách lắm. Họ cũng chỉ đánh vào vùng quân sự chứ không đánh lung tung như ngày xưa", bà nói thêm.

Truyền thông khiến nhiều người lo lắng

Giống như bà Xuyến, Tiến Đạt (22 tuổi, ngụ Odessa) không dám khẳng định tiếng nổ mình nghe thấy hôm 24/2 là tiếng bom. Phải đến khi xem tin tức, anh mới thật sự tin rằng mình đang nằm trong vùng chiến sự.

Là du học sinh sang Ukraine từ năm 2019, Đạt thường xuyên nghe dự báo về việc Nga tấn công Ukraine nhưng cũng không ngờ mọi chuyện diễn ra nhanh như vậy. Anh cho biết cộng đồng người Việt tại đây liên hệ khá chặt chẽ với nhau và thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau khi cần.

Khi chiến sự xảy ra, Đạt không kịp chuẩn bị gì nhiều. Sáng 24/2, anh mới xuống siêu thị ở khu ký túc xá để mua đồ nhưng mọi người xếp hàng quá đông nên Đạt quyết định quay lại vào buổi chiều. Dù nhu cầu hàng hóa tăng nhanh, anh cho biết không gặp tình trạng thiếu hàng và vẫn dễ dàng mua đồ thiết yếu.

Chính quyền khu vực đưa ra cảnh báo người dân không nên ra ngoài, thậm chí chuẩn bị tinh thần có thể phải sơ tán trong 1-2 ngày.

"Tôi cũng nghĩ nên ở yên một chỗ và chuẩn bị sẵn phương án. Có tình huống thì đi xuống hầm trú ẩn để sơ tán cho an toàn", anh nói.

Khu vực nơi anh Tiến Đạt sinh sống hiện khá bình yên, hình chụp hôm 25/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nói về tâm trạng của người thân tại Việt Nam, anh cho biết gia đình vẫn đang giấu mẹ về tình hình ở Ukraine vì sợ bà lo lắng. Trong khi đó, anh chị Đạt khuyên anh nên về nước một thời gian.

Tuy nhiên, Đạt cho rằng tình hình chưa đến mức căng thẳng như vậy. Thông tin trên truyền thông hầu hết là tiêu cực, tập trung vào vùng chiến sự nóng, cùng với nhiều tin giả khiến nhiều người có tâm trạng bất an và "lo lắng thái quá". Thực tế, ngoài một số khu vực chiến sự rất căng thẳng như Kyiv thì nhiều nơi khác, cuộc sống vẫn diễn ra tương đối bình yên.

Bên cạnh đó, việc về nước theo Đạt giờ cũng không dễ dàng khi phải chuyển tiếp nhiều chuyến bay và khá mất thời gian, chưa kể tới các rủi ro khi di chuyển qua vùng chiến sự.

Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ukraine cũng thường xuyên thăm hỏi người dân qua các kênh khác nhau, nhân viên ĐSQ túc trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, yêu cầu hỗ trợ từ người dân. Điều này khiến anh Đạt phần nào an tâm hơn.

Mong muốn lớn nhất bây giờ của cả bà Xuyến, anh Đạt và người Việt tại Ukraine là cuộc sống sớm trở lại bình yên, không có chiến tranh và mọi người đều được an toàn.

"Mong rằng Nga và Ukraine có thể nhanh chóng đàm phán để chiến tranh sớm kết thúc, người dân vô tội được bình an, không phải sống trong cảnh bom rơi đạn lạc này nữa", bà Xuyến bày tỏ.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP