Thế giới

Người đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn qua đời

Người đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn, David Bennett, đã qua đời sau 2 tháng ông được thực hiện ca phẫu thuật mang tính đột phá.

Bệnh nhân David Bennett (phải) và bác sĩ phẫu thuật Bartley Griffith (Ảnh: EPA).

Hồi đầu năm, David Bennett, bệnh nhân 57 tuổi tại Maryland, đã trở nên "nổi tiếng" khi trở thành người đầu tiên được ghép tim lợn sau ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Mỹ hôm 7/1. Đây là ca ghép tim lợn vào cơ thể người thành công đầu tiên trên thế giới và đánh dấu lần đầu tiên một con lợn biến đổi gene được sử dụng làm "vật hiến tạng".

Ca phẫu thuật này làm dấy lên hy vọng rằng những tiến bộ trong công nghệ ghép tạng giữa các loài một ngày nào đó có thể giải quyết tình trạng thiếu nội tạng người.

Tuy nhiên, Trung tâm Y tế Đại học Maryland ngày 9/3 phát đi thông báo cho biết, ông Bennett đã qua đời hôm 8/3, đúng 2 tháng sau khi được ghép tim.

"Tình trạng của ông ấy xấu đi vài ngày trước. Sau khi đã chắc chắn rằng ông ấy sẽ không thể hồi phục, Bennett đã được chăm sóc giảm nhẹ. Ông vẫn có thể trò chuyện với gia đình trong những giờ cuối cùng của đời mình", thông báo từ cơ sở y tế cho biết.

Sau ca phẫu thuật, trái tim lợn được ghép vào người ông Bennett hoạt động tốt trong vài tuần và không có dấu hiệu bị đào thải. Nhờ vậy, ông Bennett có thể dành thêm thời gian với gia đình, tham gia vật lý trị liệu, xem bóng bầu dục và thường xuyên bày tỏ mong muốn về việc muốn về nhà gặp chú chó Lucky.

"Ông ấy là một bệnh nhân dũng cảm đã chiến đấu đến cùng. Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất đến gia đình ông", Bartley Griffith, bác sĩ đảm nhiệm ca phẫu thuật, cho biết.

Muhammad Mohiuddin, người phụ trách chương trình cấy ghép tim của cơ sở y tế nói trên, nhấn mạnh rằng vẫn lạc quan với phương án ghép tim lợn và tiếp tục thực hiện các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai với phương pháp này.

Khoảng 110.000 người Mỹ đang chờ đợi để được ghép tạng, và 6.000 người hàng năm qua đời trước khi chờ được nội tạng phù hợp hoặc đủ điều kiện để được phẫu thuật.

Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu để có thể đưa tim từ động vật được chỉnh sửa gene vào hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải. Nghiên cứu này đã được đẩy nhanh trong suốt một thập niên nhờ vào các công nghệ nhân bản và chỉnh sửa gene mới.

Trái tim cấy ghép cho ông Bennett được lấy từ một con lợn bị biến đổi gen do Revivicor, một công ty dược có trụ sở tại Blacksburg, bang Virginia, Mỹ cung cấp. Con lợn đã được chỉnh sửa gen 10 lần. 4 gene đã bị loại bỏ hoặc bất hoạt, bao gồm một gene mã hóa phân tử gây ra phản ứng thải ghép ở người.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP