Những ngày cận Tết Mậu Tuất 2018, trung tá Lưu Anh Văn, Viện Nghiên cứu ứng dụng quân nhu (Tổng cục Hậu cần) vẫn miệt mài nghiên cứu khẩu phần ăn cho bộ đội tại phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội - nơi anh đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ngoài nghiên cứu đề tài “Sử dụng các viên nén, đồ uống cho bộ đội”, anh còn tìm ra hướng mới bổ sung khẩu phần ăn cho người lính khi làm nhiệm vụ không thể đun nấu.
“Đó là bữa ăn gắn với thực phẩm truyền thống gồm cơm, thịt, rau, nhưng đã được chế biến sẵn, có thể ăn ngay hoặc đổ nước vào là có thể ăn như gạo lứt rang, cơm tươi, thịt lên men, thịt hầm, rau ứng dụng công nghệ sinh học…”, anh Văn chia sẻ.
Trung tá Lưu Anh Văn đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thùy |
Thức ăn sẵn thay thế 'bếp Hoàng Cầm'
Đặc thù của bộ đội Việt Nam từ trước đến nay là khi làm nhiệm vụ thường ăn lương khô, mì tôm. Đó là ăn chống đói, ăn để duy trì sự sống. Trong khi đó, việc sử dụng khẩu phần ăn chế biến sẵn là rất cần thiết trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội hiện nay, từ bộ binh đến các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, như: đặc nhiệm chống khủng bố, đặc công người nhái, hải quân đánh bộ, cứu hộ, cứu nạn, tàu ngầm...
Bộ tư lệnh Hải quân từng nhập khẩu phần ăn nước ngoài về với giá mỗi suất rất cao, nhưng do khác khẩu vị, bộ đội không ăn lâu dài được vì toàn bơ, chất béo. Đồ hộp thông thường cũng không thể ăn lâu dài vì ngán. Vì vậy, gần đây Viện Nghiên cứu, ứng dụng quân nhu đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công nhiều loại khẩu phần ăn chế biến sẵn, phù hợp với đặc thù từng lực lượng, quân, binh chủng. Người phụ trách các đề tài này là trung tá Lưu Anh Văn.
“Khi có con nhỏ, tôi thấy vợ mua lọ ăn sẵn cho bé. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không nghiên cứu thức ăn tương tự cho bộ đội, vừa đủ dinh dưỡng vừa có thời gian bảo quản tương đối dài”, anh Văn kể.
Năm 2005, trong đợt đi thực tế tìm hiểu về khẩu phần ăn của bộ đội ở Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), anh Văn khi ấy là Trưởng phòng Nghiên cứu Quân lương đã hành quân huấn luyện dã ngoại dài ngày với cán bộ, chiến sĩ. Chuyến đi khoảng 80km đường rừng giúp anh thấy được thực tế bộ đội phải mang vác rất nặng, dụng cụ cấp dưỡng cồng kềnh. Đặc biệt, để nấu ăn trong khi điều kiện tác chiến đòi hỏi tính cơ động cao, bí mật, bất ngờ rất khó khăn. Bộ đội phải đào bếp Hoàng Cầm có nhiều đường rãnh thoát khói, mất thời gian.
Trở về, anh quyết tâm phải nghiên cứu ra khẩu phần ăn cho bộ đội, làm sao có thể ăn liền, nhỏ gọn nhưng đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ. Ý tưởng của anh được thủ trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Quân nhu ủng hộ. Anh đã cùng cán bộ, nhân viên Phòng Nghiên cứu Quân lương tính toán xây dựng công thức của khẩu phần ăn cho bộ đội.
Đầu năm 2007, anh Văn chế thử thành công thực phẩm dầu Protein chiết suất từ nấm men, để ứng dụng trong khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sĩ. Để thức ăn không bị ngấy, gây cảm giác chán ăn, anh cùng đồng nghiệp chế thử các chất dinh dưỡng phù hợp với khẩu vị người Việt Nam. Đến đầu năm 2009, anh và cộng sự hoàn thiện sản phẩm khẩu phần ăn chế biến sẵn có tên gọi KP01.
KP01 có trọng lượng 445 gam, cung cấp khoảng 1.400 kcal. Chỉ cần đổ nước vào, khoảng hơn chục phút sau người sử dụng đã có món cơm nóng ăn với thịt sốt. Ngoài thức ăn chính, có thể sử dụng bổ sung 2 loại thực phẩm ăn nhanh có trong khẩu phần là bánh quy giàu năng lượng và snack dinh dưỡng, đồ uống đi kèm. Trong khẩu phần ăn có đầy đủ đũa, ống hút, tăm và giấy ăn, bảo đảm phục vụ cho bộ đội trong điều kiện khó khăn nhất. Bao bì được sử dụng là loại polyme chất lượng cao, được thiết kế hợp lý nên có thể chịu được va đập cơ học tốt, thích hợp khi hành quân dã ngoại và diễn tập huấn luyện chiến đấu.
Thực đơn chế biến sẵn KP01 cũng được sản xuất giống bữa ăn bình thường để bộ đội đảm bảo sức khỏe. Cụ thể, buổi sáng có xôi sấy, thịt gà, hành khô và nước hoa quả; bữa trưa và bữa tối có cơm, canh rau, thịt (gà, bò, lợn, cá), nước hoa quả nguyên chất và bánh quy dinh dưỡng. Riêng gói đồ uống là túi bột cam hoặc xoài nguyên chất, chỉ cần đổ nước vào là có một ly nước hoa quả nguyên chất thơm ngon.
Anh Văn luôn tìm tòi, nghiên cứu để làm ra thức ăn chế biến sẵn phù hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt trong quân đội. Ảnh: Hoàng Thùy |
Tuýp ăn đặc biệt cho bộ đội
Từ thành công của khẩu phần ăn KP01, anh Văn tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời thức ăn dạng tuýp phù hợp với điều kiện thực hiện nhiệm vụ của bộ đội đặc nhiệm, đặc công. Tuýp ăn được chế biến từ thịt, tinh bột biến tính, dầu ăn, sữa, rau gia vị..., mỗi tuýp nặng khoảng 145 gam, cung cấp khoảng 290-300 kcal. Thức ăn được thanh trùng ở nhiệt độ cao nên có thể bảo quản trong 6 tháng.
"Tuýp ăn chỉ nhỏ như tuýp kem đánh răng, bao vỉ mềm, khi ăn chỉ cần cắn vỏ, bộ đội có thể vừa bơi vừa ăn. Do là thức ăn mềm nên trong đó đã có một lượng nước nhất định, điều này đảm bảo bộ đội trinh sát đặc nhiệm và đặc công nước không bị khát sau khi ăn", anh Văn cho biết. Dạng thức ăn này chỉ được sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, trong thời gian ngắn để duy trì sức khoẻ, sự tỉnh táo cho bộ đội.
Thức ăn dạng tuýp sau khi ra đời cũng đã qua nhiều lần điều chỉnh để có dinh dưỡng cao hơn. Theo trung tá Văn, đến nay sản phẩm đã được Quân chủng Hải quân và Tổng cục Tình báo đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng làm khẩu phần ăn chính thức của bộ đội trong tác chiến, huấn luyện.
Thức ăn tự hâm nóng cho bộ đội biên phòng
Có thời gian tham gia tuần tra biên giới với bộ đội biên phòng, anh Văn cảm nhận được những vất vả mà lực lượng này phải vượt qua. Đó là tuyến đường tuần tra rất dài, công tác bảo đảm hậu cần khó khăn vì có tuyến biên giới hầu như không có dân, bộ đội phải lấy nước suối nấu mì tôm ăn là chính.
"Nhưng mùa hanh khô nấu được chứ mùa mưa bộ đội nhóm lửa cả tiếng không được. Thậm chí nhóm được lửa lên thì khói rất nguy hiểm, sẽ bị nhóm buôn lậu tấn công", anh kể.
Các mẫu thức ăn dành cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt do trung tá Văn nghiên cứu. Ảnh: Hoàng Thùy |
Trở về, anh Văn nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu thức ăn phù hợp với lực lượng này. Cuối cùng, anh phát minh ra khẩu phần ăn tự hâm nóng sau khi nghiên cứu từ các nước. Với khẩu phần ăn này, chỉ cần đổ nước nguội vào, đợi khoảng 10 phút là thức ăn nở ra, không cần nấu mà vẫn nóng.
"Sau khi thử nghiệm, mẫu khẩu phần ăn này được cán bộ, chiến sĩ biên phòng rất ưa thích, vì vừa đảm bảo khẩu vị, dinh dưỡng, lại tiện lợi khi mang theo", trung tá Văn nói. Đề tài này đoạt giải nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân 2012.
Sau khi Việt Nam tiếp nhận tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên, anh Văn được phép xuống tàu để nghiên cứu khẩu phần ăn cho lực lượng này. Qua thực nghiệm, anh đã xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn. Hiện tại, trung tá Văn và đồng nghiệp tập trung vào đề tài bảo đảm khẩu phần ăn cho các lực lượng mới thành lập của quân đội.
"Tôi may mắn có bố mẹ, vợ con ủng hộ việc nghiên cứu. Mọi người luôn tôn trọng và dành cho tôi không gian để làm việc. Vì đam mê quá, có khi vừa nhận lương xong tôi đã dùng hết vào việc mua nguyên vật liệu để thử nghiệm trong quá trình học tập, nghiên cứu", anh Văn kể.
Do hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng quân nhu mang tính thực tiễn cao, đáp ứng được sự kỳ vọng của bộ đội, cựu sinh viên khoa Quân nhu của Học viện Hậu cần đã 5 năm liền (2009-2013) được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua. Anh cũng là đại biểu điển hình tiên tiến của Tổng cục Hậu cần dự Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX, giai đoạn 2010-2015.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress