Đứng trước hiện tượng núi Agung sắp phun trào nham thạch, người dân trên đảo tỏ ra bực tức. Họ đổ lỗi cho du khách đến đây và làm núi thiêng thức giấc. Một linh mục địa phương cho biết, các du khách phương Tây đã tới đây, sex hoặc có kinh nguyệt vẫn leo núi khiến ngọn núi tức giận, theo News.
Núi lửa Agung được người dân Bali coi là núi thiêng. Ảnh: News. |
Hiện tại, chính quyền địa phương đã nâng mức cảnh báo núi lửa phun trào lên mức 4, mức cao nhất. Trong ngày 27/9, hàng trăm trận động đất đã được ghi nhận tại vùng núi Agung. Từ 6h đến 12h, có tất cả 521 trận động đất. Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận đến nay là 4,3 độ, xảy ra vào lúc 13h19 ngày 27/9.
Các cửa hàng quanh Bali đã bán hết mặt nạ với bộ lọc khí. Mọi người mua chúng để đề phòng nếu núi lửa phun trào.
Hơn 96.000 người sống ở khu vực xung quanh Agung đã phải sơ tán đến vị trí an toàn. Trẻ em cũng được nghỉ học và ở cùng bố mẹ. 10 sân bay ở Indonesia đã lên phương án thay thế nếu vụ phun trào diễn ra và sân bay ở Bali phải đóng cửa.
Người dân quanh vùng Agung phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Nguồn: Youtube.
Các du khách tại Bali cũng phải sơ tán. Thậm chí nhiều người đã bị đánh thức lúc nửa đêm trong khách sạn và buộc rời đi. Rory Eastick, du khách đến từ Newcastle, Anh cho biết ông bị đánh thức vào lúc 23h30 và yêu cầu rời khỏi khách sạn Tulamben nằm ngay bờ biển phía đông bắc đảo Bali. "Đó là khoảnh khắc khiến tôi lo ngại. Thời điểm đó tôi nhận ra mọi người trong khách sạn đã sơ tán hết rồi".
Monique Correia đến từ Perth, Australia cho biết cô cũng được yêu cầu đóng gói đồ đạc của mình và sơ tán. "Mọi người đã yêu cầu chúng tôi di chuyển đến Kuta ngay lập tức".
Tuy nhiên, bất chấp mọi cảnh báo, du khách vẫn tiếp tục đổ về Bali. Nhiều du khách cho biết họ không lo lắng cũng như "chẳng việc gì phải vội về nhà" chỉ vì một ngọn núi có nguy cơ phun trào.
David và Kellie Smith đến từ Anh cho biết cả hai đang trong kỳ nghỉ đầu tiên tại Bali cùng hai con gái. Họ không quan tâm đến khả năng núi lửa phun trào.
"Chúng tôi đều được bảo hiểm. Tôi đã nói chuyện với công ty du lịch và họ nói rằng sẽ thông báo cho chúng tôi nếu có bất kỳ vấn đề gì. Nếu người dân địa phương không hoảng hốt, chúng tôi cũng không cần lo lắng quá nhiều vào lúc này".
Gia đình Smith đến Bali ngày 16/9. Họ cũng tới Amed, nơi có thể ngắm núi Agung một cách hoàn hảo nhất.
Brett McKenzie, du khách Australia cũng có quan điểm tương tự. Anh cùng gia đình vẫn có mặt tại bãi biển Double Six vào ngày 27/9, bất chấp mọi cảnh báo.
McKenzie dạy cho 3 con trai, cặp sinh đôi 13 tuổi và cậu út 11 tuổi lướt sóng tại Bali. Ảnh: News. |
Vợ chồng McKenzie cho biết, họ đến Bali từ ngày 24/9, đã nghiên cứu rất kỹ lời khuyên từ các công ty du lịch và mua bảo hiểm. Điều quan trọng nhất với họ, là phải biết tự chịu trách nhiệm nếu Agung phun trào.
"Mối quan tâm của tôi dành nhiều hơn cho người dân Bali. Họ là những nông dân và việc núi lửa phun trào sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ", McKenzie nói.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo VnExpress