Năm 2004, khi dự án nhà máy nước được triển khai giai đoạn 1 do UBND xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư với kinh phí 4 tỷ đồng. Năm 2008 UBND huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư giai đoạn 2. Việc xây dựng nhà máy nước để giải quyết vấn đề nước sạch cho hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn xã. Vì đặc thù địa chất, vùng đất phèn và nước lợ nên vấn đề nước sạch tại địa phương này khó khăn.
Thế nhưng, 10 năm nay, từ lúc nhà máy nước được hoàn thiện, người dân xã Nghi Diên vẫn phải chứa nước mưa, mua nước sạch đề dùng do không thể sử dụng nước nhà máy vì quá ô nhiễm. Chị Nguyễn Thị Hậu (trú tại xóm 13, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) cho hay, nước từ nhà máy nước rất bẩn, bơm lên đục ngầu, lắng xuống thì có bùn nên không thể sử dụng để ăn uống được.
Nhà máy nước tiền tỷ nhưng chưa thể đáp ứng nước sạch cho người dân địa phương. |
“Nước từ nhà máy bơm lên có màu đục, bốc mùi bùn chỉ sử dụng cho gia súc, gia cầm uống và giặt đồ. Còn nước sinh hoạt, ăn uống thì gia đình chủ động xây bồn chứa nước mưa và mua nước sạch ở đại lý về uống”, chị Hậu nói.
Ông Trần Văn Thế (trú tại xóm 10, xã Nghi Diên) cũng cho biết, nước từ nhà máy được lấy từ sông lên nhưng công nghệ xử lý quá kém nên nhìn không khác gì nước sông chưa xử lý. Một số hộ dân do không còn cách nào khác nên lấy nước ở nhà máy sau đó phải bỏ phèn chua để xử lý hoặc bơm ngược xuống giếng để lắng bùn rồi lấy sử dụng.
Hệ thống bồn chứa và máy xử lý nước xuống cấp. |
Theo ghi nhận của PV báo Tiền Phong, nhà máy xử lý nước tại xóm 13, xã Nghi Diên vẫn hoạt động, nguồn nước nhà máy lấy từ sông bên cạnh. Hệ thống các bồn chứa và máy xử lý rỉ rét, xuống cấp. Nguồn nước sau khi được xử lý qua nhà máy xong đến hộ dân vẫn có màu vàng đục, có gợn bùn non và có mùi tanh.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Nghi Diên thừa nhận nhà máy xử lý nước chưa đảm bảo để sử dụng. “Chúng tôi không gọi đó là nước sạch mà là nước nhà máy. Vì thực sự thì nước từ nhà máy không sạch người dân không sử dụng được nước đó để ăn uống”, lời ông Sơn.
Theo ông Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhà máy nước không có hồ lóng, công nghệ xử lý lạc hậu, không có người làm kỹ thuật thường xuyên. Trước tình trạng cần thiết của người dân, UBND xã Nghi Diên đã làm công văn đến từng xóm để họp dân, lấy ý kiến cử tri về phương án lấy nước từ nhà máy nước sạch TP.Vinh.
Cụ thể, đối với xã sẽ sửa chữa đường ống trong khả năng có thể và nhờ sự hỗ trợ từ UBND huyện Nghi Lộc. Đối với người dân đề nghị sửa cụm đồng hồ theo qui chuẩn mới, phải chấp nhận bỏ tiền để nuôi bộ máy cán bộ kỹ thuật từ 3-4 người. Đồng thời, do nhà máy cấp nước bán theo tổng khối lượng nên người dân phải chấp nhận nếu sử dụng ít hơn khối lượng giao thì cũng phải chịu số chênh lệnh.
Nước đã qua xử lý nhưng có màu vàng, váng bẩn, đục ngầu. |
Ông Sơn giải thích thêm, sở dĩ phải làm như vậy vì xã không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ mà là đơn vị quản lý hành chính. Nếu người dân đồng ý với phương án trên thì xã sẽ tổng hợp ý kiến bằng văn bản, sau đó huyện sẽ chủ trì làm việc với người dân và nhà máy để đi đến thống nhất.
Tình trạng thiếu nước sạch đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, mặc dù được đầu tư các nhà máy cấp nước sạch. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong quản lý, duy tu, bảo dưỡng và do nguồn nước khai thác tại chỗ để phục vụ cho nhà máy nước xử lý không đảm bảo vệ sinh, công đoạn xử lý phải đầu tư tốn kém nên nguồn nước cấp ra không đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn quy định.
Tác giả: Văn Bình
Nguồn tin: Báo Tiền Phong