Trong tỉnh

Nghệ An: Làng nghề làm hương phục vụ tết tất bật sản xuất

Những ngày cận tết, cũng là lúc làng nghề hương Tây Lân (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) hối hả chuẩn bị sản phẩm Tết, mang không khí xuân đến mọi nhà.

Ngôi làng lưu giữ giá trị truyền thống

Cận kề Tết Nguyên đán, đến thăm cơ sở sản xuất hương Tây Lân của gia đình chị Nguyễn Thị Lý (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc), từ xa tôi đã nhìn thấy trên khoảng sân rộng từng bó hương chụm đầu được xếp tăm tắp, nở xòe giữa cái nắng hanh vàng cuối đông.

Trên các giàn tre rải bên những cánh đồng, những mẻ hương thành phẩm tỏa mùi thơm thoang thoảng. Chị Lý vừa phơi hương vừa gợi nhắc ký ức tổ tiên truyền nghề. Nghề làm hương của gia đình chị vốn có từ đời cha ông truyền lại. Sau khi về làm dâu, chị tiếp tục nối nghiêp làm nghề đến nay đã được 26 năm.

Trước đây, khi làm hoàn toàn thủ công đòi hỏi người làm hương phải thành thục các kỹ thuật “nhúng”, “vê” để bột hương dính bám đều vào que.

Giờ đây, khi sản xuất bằng máy, người làm nhàn hơn, năng suất cao hơn hẳn, cây hương lại đều, đẹp. Để sản xuất hương, bột nguyên liệu được cho vào máy nhào trộn nhuyễn với nước rồi đổ vào phễu của máy bắn hương.

Người làm đưa các tăm hương vào máy để bột nguyên liệu bám đều, hương tự bắn ra chiếc bàn. Các nén hương sau khi hoàn thiện được xếp vào thúng, chờ cho se bề mặt rồi đem phơi trên mặt sân hoặc những chiếc phên tre. Mỗi mẻ hương phơi dưới trời nắng to khoảng 1 ngày là khô, trời ít nắng từ 2-3 ngày; sau đó đóng gói thành phẩm.

Chị Nguyễn Thị Lý ( xã Nghi Trường, Nghi lộc, Nghệ An) phơi hương thành phẩm. Ảnh: Quỳnh Trang

Chị Lý cho biết, nghề làm hương thường có việc đều trong năm, nhưng tất bật nhất là thời vụ cao điểm chuẩn bị hương cung ứng dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm.

Từ việc sản xuất hương, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, trả lương nhân công, gia đình chị thu lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng/năm.

Hàng vạn cây hương chuẩn bị đem bán trong dịp tết. Ảnh: Quỳnh Trang

Rời xưởng sản xuất hương của gia đình chị Lý, chúng tôi rẽ vào con ngõ, 2 bên xếp đầy giá phơi của gia đình chị Nguyễn Thị Nga, cháu ruột của của ông Phan Viết Trung - người được phong là ông tổ làng nghề này.

Cơ sở sản xuất của chị Nga cũng là một trong những hộ sản xuất hương lớn nhất làng nghề. Xưởng sản xuất của chị được trang bị 2 máy trộn nguyên liệu đầu vào, 4 máy bắn hương, 1 máy sấy, 2 máy đóng gói. Có 5 công nhân làm việc thường xuyên ở xưởng. Ngoài ra, còn có trên 30 công nhân làm việc tại nhà riêng sau khi nhận nguyên liệu tại xưởng mang về. hàng tháng, xuất ra thị trường hàng vạn thẻ hương các loại.

Được biết, làng nghề hương Tây Lân được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu làng nghề năm 2011, với trên 27 hộ gia đình làm hương. Sau thời gian trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, có thị trường truyền thống và đã mở rộng thị trường sang Thanh Hóa, Hà Tĩnh, nước bạn Lào.

Mong giữ mãi nghề truyền thống

Ông Nguyễn Đoàn Tấn, Phó làng nghề hương thẻ Tây Lân chia sẻ: Nhờ có thế hệ trẻ nên làng vẫn giữ được nghề, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng làng Tây Lân vẫn luôn giữ cách làm hương truyền thống, cũng như là để tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã sinh ra cái nghề cho làng mình.

"Nghề làm hương cũng là một sản phẩm kết nối những con người còn sống đến với tổ tiên, những người cõi âm đến với nhau. Bởi vậy những người muốn được học nghề làm hương trước hết phải có một cái tâm sach và long thành kính" -ông Tấn nói.

Vào vụ Tết, số lượng hương của làng Tây Lân được người dân sản xuất nhiều hơn ngày thường. Ảnh: Quỳnh Trang

Các hộ dân gắn bó với nghề mấy chục năm đang ngày đêm vẫn tỉ mỉ làm ra những nén hương thơm chờ khách đến lấy, phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Họ chẳng ước muốn gì hơn mai này con cháu vẫn giữ được nghề đã bao đời gắn bó.

Tác giả: QUỲNH TRANG

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP